“Không phải những người chủ tâm, có ý thức dùng người khác làm đá đặt chân, thật đáng sợ sao?”

Sẽ vậy sao?

Thực ra tôi cho rằng người không tự giác, vô thức mà đem người khác dùng làm đá đặt chân mới càng đáng sợ hơn.

“Ha ha! Hóa ra cậu là người tốt à?” đối phương khẽ cười.

May mắn là, việc tôi có phải người tốt hay không cùng chuyện này chẳng chút liên hệ nào. Cũng không hẳn là cách nghĩ khác biệt, mà do phương thức sinh tồn bất đồng. Giữa người không cần lấy người khác làm đá đặt chân mà vẫn sống yên ổn, cùng người chỉ có thể làm đá đặt chân cho người khác, tồn tại một khoảng cách tuyệt đối không thể vượt qua. Tôi nghĩ chuyện này chính là về vấn đề đó.

Như một họa sĩ không giới hạn phong cách.

Như một học giả nghiên cứu tất cả.

Như một đầu bếp thông thạo nhân gian mỹ vị.

Như một thầy bói siêu phàm nhập thánh.

Những người phụ nữ trên đảo này thật quá khác thường. Cả chủ lẫn khách đều là loại người vô cùng độc đáo, không gì cản nổi, làm người ta phải lực bất tòng tâm. Họ là những tồn tại xa xôi không thể chạm tới, xa tới nỗi người bình thường ngay cả muốn cũng chẳng chút hy vọng có thể tiếp cận.

Bởi vậy…

“Thật nhàm chán! Đây là vấn đề ‘Thiên tài là gì, không phải là gì?’. Vô năng thực sự là một loại hạnh phúc. Nếu trời sinh người ta vô cùng đần độn, đến mức sẽ không tự hỏi lý do mình sinh tồn, ý nghĩa cuộc sống, hay giá trị của cuộc sống. Thế thì thế giới thành thiên đường rồi. Yên tĩnh, hòa bình, không sóng gió. Chuyện nhỏ thành lớn mà chuyện lớn lại thành nhỏ, nhân sinh sẽ trở nên hoàn chỉnh nhất.”

Nhất định là vậy.

Thế giới đối với vĩ đại thật khắc nghiệt. Thế giới đối với có năng lực thật khắc nghiệt.

Thế giới đối với trong sạch thật khắc nghiệt. Thế giới đối với thông minh thật khắc nghiệt.

Thế giới đối với bình thường thật khoan dung. Thế giới đối với vô năng thật khoan dung.

Thế giới đối với hủ bại thật khoan dung. Thế giới đối với ngu ngốc thật khoan dung.

Nhưng một khi đã lý giải được sự thật này, hiểu đạo lý này, hết thảy đã kết thúc. Đó là một vấn đề không có đáp án, không thể lý giải. Nó đã kết thúc từ trước khi bắt đầu, và khi nó kết thúc thì câu chuyện đã hoàn thành.

Ví dụ như:

“Cơ bản thì con người có hai lối sống. Hiểu được sự đê tiện của mình mà sống, hay hiểu được sự đê tiện của thế giới mà sống. Hai loại. Nếu giá trị của mình không bị thế giới hấp thu thì tức là đem giá trị của thế giới mà đồng hóa vào bản thân.”

Giá trị của thế giới hay giá trị của mình, ưu tiên cái nào đây?

Chấp nhận chuyện ngu xuẩn trên đời hay chuyện ngu xuẩn của chính mình?

Bên nào chiếm ưu thế hơn?

Giữa hai bên luôn có một khoảng mơ hồ và bất định.

Liệu ở đó có một tiêu chuẩn xác định?

Hay chỉ là lựa chọn một trong hai phương án?

Có thực sự phải lựa chọn hay không?

“Từ đâu bắt đầu là thiên tài? Từ đâu bắt đầu không phải thiên tài?”

Từ đâu bắt đầu là chân thật? Theo ai bắt đầu là dối trá?

Theo ai bắt đầu là chân thật? Từ đâu bắt đầu là dối trá?

Đây là vấn đề không được phép hỏi.

Đối phương cười mỉa. “Còn cậu thì sao?”

Tôi làm sao?

“Cậu có ý kiến gì về thế giới này?”

Đối với người đã từng ở trên hòn đảo đó như tôi. Đối với người đã ở bên màu xanh lam đó như tôi. Đối với người hiện giờ đang đối mặt với người này như tôi, đó rõ ràng chỉ là lời nói đùa vô vị, thậm chí không cần suy nghĩ mà trả lời.

Thế nên tôi không nói gì cả. Thay vào đó tôi dời tầm mắt và nghĩ đến chuyện khác.

Vậy rốt cuộc trong mắt người này, thế giới có bộ dạng gì? Rốt cuộc trong mắt cô gái kia, tôi có bộ dạng gì?