Trans: DuyKum

Edit: UNKNOWN

---------------------------------------------------------------------------

Trên thế giới này tồn tại hai loại người: các riajuu và những kẻ đơn độc còn lại. Bạn có thể làm mọi thứ theo ý thích hoặc làm nền cho kẻ khác. Bạn có thể thực hiện những ước mơ của bản thân bất kể người ngoài có nghĩ gì, hay đặt khao khát của kẻ khác trên cả mong muốn cá nhân. Suy cho cùng thì đấy cũng chỉ là những lựa chọn duy nhất mà bạn có.

Vậy thì làm những gì bản thân muốn trong một tập thể có gì khác so với khi làm một mình không? Chẳng phải kết quả sau cùng cũng sẽ giống nhau thôi sao? Nếu cả hai đều hướng tới cùng một mục tiêu thì sự khác biệt rõ ràng duy nhất chỉ là liệu có ai đó dõi theo mình hay không mà thôi.

Cứ cho rằng bạn sẽ cảm thấy tự hào về bản thân khi gạt phăng hết những ý kiến của người khác đi, chính điều đó sẽ khiến họ trở nên đố kị và ganh ghét mà thôi. Hoặc là bạn sẽ không cảm thấy mình đang chễm chệ cái vị trí bề trên, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ chẳng có ai rảnh rang mà đi hơn thua với bạn cả. Cũng không khá khẩm hơn nhau là mấy.

Xét thêm khía cạnh khác, che giấu cảm xúc thật lòng của bản thân khi ở trong cùng một nhóm chỉ vì e ngại người ta nghĩ gì cũng chẳng khác gì làm điều tương tự khi ở một mình cả. Những người thuộc nhóm trước thường được gọi là các “kyoroju” (chỉ những người luôn chú ý đến vẻ bề ngoài để cố tỏ ra mình là riajuu trong mắt người khác) bởi dẫu ngay cả khi bọn họ trông có vẻ nổi tiếng nhưng thực chất lại là đang tìm kiếm sự công nhận và do đó thường bị người khác xem thường. Vậy nên nếu như thật sự cô độc cũng như chẳng thể làm những gì bản thân cầu vọng chỉ vì quan điểm của người ngoài thì bạn cũng không hơn gì so với họ hết. Giả sử đã trở nên đơn độc rồi, sao ta không những làm những gì mình muốn, miễn là tránh tổn hại tới ai khác, đúng không?

“Cậu muốn cho thêm gì vào ramen không?”

“Cháu sẽ lấy thêm một chút tỏi.”

“Có ngay. Chỉ nhiêu đó thôi sao?”

“Vâng, thế là đủ rồi ạ.”

Cảm thấy có hơi mệt vì đạp xe khoảng tầm ba mươi cây số, tôi đã ghé qua một phiên bản ăn theo thương hiệu chuỗi nhà hàng trứ danh Ramen Jiro. Tôi đang rất muốn húp xùm xụp những sợi mì (dày đến nỗi cứ như là sợi udon) và thứ nước dùng béo ngậy, đậm đà hương vị ấy, nhưng lại không chắc có thể xử lý được một khẩu phần lớn vào hôm nay. Các nhà hàng đạo nhái thường khá tiện đối với mấy tình huống như này. Nếu như chịu khó để ý xung quanh một chút, bạn có thể tìm thấy nơi để gọi đồ ăn với một lượng vừa đủ no, mặc dù thi thoảng tôi vẫn nhận được mấy ánh nhìn bối rối khi yêu cầu nhân viên chỉ cho thêm tỏi vào.

Một điều thú vị nữa về mấy chuỗi nhà hàng đu theo này là bạn có thể tùy chỉnh và thêm những món ăn kèm tùy sở thích. Khi được người phục vụ hỏi “Cậu muốn như thế nào” hay “Cậu có muốn thêm tỏi không?” bạn sẽ gọi món dài một mạch đại loại kiểu như “Cho thêm tỏi, nước dùng, rau sống, và lát thịt heo béo ngậy.”

Nhà hàng này có điểm khác so với những phiên bản đạo nhái trước đó mà tôi từng đặt chân đến bởi vì họ không cho mì đầy ắp tô – cũng có hơn một chút so với tiệm ramen trung bình. Thế nên nếu thực sự đang đói, bạn cần phải kêu cho thêm mì khi gọi món. Thực tế, hầu như khách hàng nào ở đây cũng đều làm vậy.

Cho nên khi tôi, một cậu thiếu niên đáng lẽ phải đang cảm thấy bụng sôi ùng ục, chỉ yêu cầu thêm một ít tỏi thì cả mấy người phục vụ lẫn thực khách gần đó đều đưa ánh nhìn kiểu “Thật luôn? Đi đến một nơi như thế này mà chỉ gọi có nhiêu đó á?”.

Không sao hết. Mình vào quán chỉ vì đang thèm thôi mà. Tôi một mình đến đây để tận hưởng bữa ăn, chẳng cần phải bận tâm người khác nghĩ đâu, ha? Tất cả những gì tôi cần phải làm là gọi món mình muốn và ăn thỏa thích mà thôi.

Sau khi chờ đợi một lúc, ramen của tôi đã được mang ra. Món của vị thực khách ngồi kế bên cũng được đem tới. Tô ramen của tôi trông nhạt nhẽo kinh hồn khi đặt cạnh với với miếng thịt heo chiên giòn béo ngậy lan tỏa hào quang lấp lánh, hàng núi giá đỗ, và miếng lợn quay thái lát chất đầy đến nỗi không thể thấy được nước dùng. Món của bên đó có lẽ là gần với thường thức ở đây hơn là của tôi.

Đến giờ ăn rồi, tôi tự nhủ khi gắp số lượng vừa đủ mỳ và giá đỗ, rồi đưa lên miệng. Đây là cách ăn thường thấy tại một tiệm ramen tầm trung, nhưng không phải là kiểu bạn sẽ bắt gặp nhiều ở quanh đây. Trong thời gian cần để có được một gắp vừa ăn hoàn hảo, sợi mì sẽ ngấm nước dùng và trương lên. Vị thực khách bàn bên đang cố tránh điều đó bằng cách thay phiên thưởng thức rau và mì để không bị sũng nước. Nhưng vì tôi đã gọi vừa đủ số lượng thức ăn mình cần nên không cần phải quá bận tâm về chuyện đó.

Đúng rồi, chính là thứ này. Đây là thứ mà mình đang thèm khát. Sợi mì to và dai, nước dùng béo ngậy dễ gây nghiện, lát thịt heo đọng mỡ… Nó chứa đựng một hương vị độc đáo và đậm đà đến nỗi thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ nhung và thèm đến mức cồn cào, dù cho một số người có lẽ còn chẳng thèm nhớ tới. Đây không phải là món mà bạn có thể mời gọi ai đó kiểu, “Này, muốn đi ăn ramen béo ngậy không?” Dù sao thì ramen cũng không phải là thứ bạn nên chọn để ăn cùng người khác. Nếu như mải mê tán chuyện, sợi mì của bạn sẽ bị trương lên. Ramen đạo nhái được xem là hoàn hảo trong số những món ăn ngon nhất để thưởng thức một mình.

Tôi đưa miếng thịt heo cuối cùng vào trong miệng mình rồi làm một hơi hết ngụm nước dùng còn sót lại. “Whew!” Đúng là ngon không có chỗ chê. Có thể ăn bao nhiêu tùy theo những gì mình muốn đúng là nhất quả đất. Đây là thứ mà tôi nhất định không thể tận hưởng nếu đi cùng với một ai đó được.

“Cảm ơn vì bữa ăn.”

“Cảm ơn quý khách đã dùng bữa."

Tôi nghe thấy tiếng đáp lại dõng dạc của nhân viên khi rời khỏi quán ăn.

Tôi chợt nhớ tới một bài hát dành cho trẻ em – về việc kết bạn với một trăm người, cùng leo núi Phú Sĩ và ăn onigiri với nhau. Nhưng đối với tôi, chỉ cần ăn một mình thôi cũng đã đủ ngon rồi.