“Phép thuật gắn kết và Dạ hội thánh,” thường được gọi tắt là "Kizuyoru,” là một tựa game otome.
Trong trò chơi này, nhân vật chính là Fine Staudt, một cô gái xuất thân bình dân nhưng lại sở hữu khả năng sử dụng loại phép thuật đặc biệt. Nhờ điều này, cô được đặc cách nhập học vào Học viện Phép thuật Hoàng gia – nơi vốn chỉ dành cho hoàng tộc và quý tộc. Cốt truyện xoay quanh hành trình Fine giao lưu với bốn nhân vật nam chính, cùng họ khám phá các hầm ngục để tăng cường sức mạnh, và cuối cùng thức tỉnh thành “Thánh nữ ánh sáng” để đánh bại Ma vương vừa được giải phong ấn, cứu thế giới và kết đôi với một trong bốn nhân vật nam chính, mang đậm phong cách của một game otome kết hợp yếu tố RPG điển hình.
Tuy nhiên, trò chơi này lại sở hữu một yếu tố khác biệt hoàn toàn so với các game otome thông thường.
Đó chính là "tuyến kết thúc tồi tệ”. Đây là một tuyến truyện mở ra khi không đạt được mức độ thân thiết nhất định với bất kỳ nhân vật nam chính nào, đồng thời mối quan hệ với các nhân vật bạn bè cũng ở mức thấp khi cô bước vào năm thứ hai. Trong kịch bản này, ma thuật thánh mà Fine có khả năng sử dụng lại bị các nhân vật chính coi là "ma thuật hắc ám đáng kinh tởm”. Cô bị gắn mác "ác nữ,” phải chịu đựng sự bắt nạt và sỉ nhục công khai. Cuối cùng, Fine bị hoàng tử Alberich, một trong bốn nhân vật nam chính, triệu tập. Tại đây, cô bị đe dọa rằng nếu không rời khỏi học viện, cô nhi viện tại quê nhà sẽ bị phá hủy. Người chơi bị buộc phải chọn “đồng ý” trong tình huống không có lựa chọn nào khác.
Khi đoạn kết được hé lộ, người chơi chứng kiến cảnh Fine – từ một cô gái vui vẻ, trong sáng – với đôi mắt đã hoàn toàn mất đi ánh sáng, tự nguyện rời khỏi học viện và lặng lẽ biến mất trong màn đêm của thành phố. Đây là một cốt truyện đầy u ám, chỉ toàn đau khổ và bi kịch.
Mặc dù các tuyến cốt truyện bình thường hoặc tuyến của các đối tượng đều theo lối mòn truyền thống của một game otome, riêng tuyến kết thúc tồi tệ lại được đầu tư kỹ lưỡng đến kỳ lạ. Vì vậy, trên các diễn đàn sau khi game phát hành, nhiều người đồn đoán rằng "phải chăng đội ngũ phát triển thực sự muốn làm một game bi kịch hơn là otome game?”. Thêm vào đó, để mở khóa tuyến này, người chơi phải cố tình không tăng độ thân thiết với bất kỳ nhân vật nào – việc này thậm chí còn khó hơn cả đạt được kết thúc harem đảo ngược. VVì vậy, tuyến này còn được xem là “kết thúc thực sự" của game.
Chính vì vậy, Kizuyoru không chỉ nổi tiếng như một otome game mà còn được chú ý như một tựa game bi kịch. Những người chơi tò mò muốn chứng kiến cảnh Fine – cô gái ngây thơ, trong sáng – rơi vào u tối đã đổ xô mua game, khiến trò chơi thành công về mặt thương mại. Tuy nhiên, nó cũng gây ra những tranh cãi dữ dội trong lịch sử ngành game.
...Và lý do tại sao tôi lại bắt đầu câu chuyện như thế này là vì một cô gái đang thu mình ở góc tầm nhìn của tôi.
Dẫu sao thì, Kizuyoru vốn được thiết kế để nếu người chơi không làm điều gì quá mức điên rồ, họ sẽ rơi vào một tuyến cốt truyện bình thường hoặc một trong các tuyến của nhân vật chính. Dù thế nào, thế giới cũng được cứu rỗi và có một cái kết thúc hạnh phúc.
Vì vậy, tôi không nghĩ rằng mình cần lo sợ về tuyến kết thúc tồi tệ – đó chỉ là một nỗi lo thừa thãi. Với tâm lý đó, tôi vừa đi mua sắm ở thành phố và chuẩn bị trở về ký túc xá trong học viện thì...
(Khoan đã... Khoan đã! Tại sao Fine sau tuyến kết thúc tồi tệ lại xuất hiện ở đây chứ!?)
Tôi cố kìm lại không để buột miệng thốt lên khi nhìn vào dáng vẻ của Fine.
Nhìn kỹ hơn, bộ quần áo trông như giẻ rách mà cô mặc thực ra là đồng phục của Học viện Phép thuật Hoàng gia, nhưng đã bị xé nát đến thảm hại. Cơ thể cô đầy những vết bầm tím. Có vẻ như Fine đã bị đuổi khỏi học viện bằng một cách thức vô cùng tàn bạo.
(…Dù sao thì cũng không thể cứ thế bỏ mặc cô ấy ở đây mà đi được.)
Nghĩ vậy, tôi lấy hết can đảm bước đến và cất tiếng gọi.
“Này, cậu sẽ bị cảm nếu cứ ngồi ngoài này đấy.”