Tôi tên là Cung Tiêu Đằng, mọi người trong nhà đều gọi tôi là Đông Đông.

Sau khi ra viện, tôi được bố giữ ở nhà nghỉ dưỡng một năm. Năm đó xảy ra rất nhiều chuyện. Chị Nam Sênh sinh cho tôi một em trai. Em trai có khuôn mặt tròn, bầu bĩnh, đẹp trai hơn bố. Tôi cứ ngắm em mãi không biết chán, có lúc còn bò bên cạnh nôi nhìn em cả ngày. Bố hai lén lút nói với tôi rằng một thời gian nữa thôi, mẹ hai cũng sinh cho tôi một cô em gái. Cả nhà ông chú kỳ quặc Cận Hoài Lý đó cũng đã làm cha, là một em trai lớn hơn em tôi nửa tuổi, nhưng vẫn to ngang bằng nó.

Vì chuyện ấy ông chú kỳ quặc cũng không ít lần đấu khẩu với bố tôi. Chú ấy hay liếc mắt nhìn xem nhà tôi cho em trai ăn món gì. Mà cứ mỗi lần chú ấy định bám theo chị Nam Sênh khi chị chuẩn bị cho em trai ăn sữa, bố lại đứng trước mặt chú ấy với biểu cảm lạnh nhạt, chắn đường rồi hờ hững nói: “Đưa con trai cậu tới bệnh viện kiểm tra đi, đổi gen từ bây giờ chưa biết chừng đứa sau sẽ cao hơn chút đấy”.

Thật ra tôi cảm thấy tại bố không thích nói mà thôi, nếu bố nói chắc chắn còn độc miệng hơn chú kỳ quặc.

Nhưng có một chuyện tôi nghĩ mãi mà vẫn không hiểu, vì sao khi tôi rời đi, anh Trần Tấn đã học lớp năm mà khi trở về anh ấy vẫn ngồi nguyên ở đó?

“Này, đáng nhẽ anh phải lên cấp hai rồi chứ?” Ngày đầu tiên đi học, tôi nhìn thấy Trần Tấn trước cổng trường lúc tan học. Anh ấy mặc chiếc áo sơ mi trắng không mới lắm, cổ áo để hở, miệng ngậm cọng cỏ. Cơn gió mùa hạ thổi bay mái tóc anh. Tôi cảm thấy anh đã cao lên rất nhiều.

Rõ ràng anh không để tâm tới câu hỏi của tôi: “Gây chuyện, thi trượt, bị ở lại lớp là chuyện bình thường. Ngốc!”.

Tôi đâu có ngốc. Tôi còn chưa kịp nói, Trần Tấn đã thẳng thừng cầm lấy cặp sách của tôi: “Anh nói với sư phụ rồi. Thầy bận, sau này anh sẽ đưa em từ nhà đến trường, đón em từ trường về nhà, đằng nào thì chúng ta cũng học cùng trường”.

“Em là sư tỷ nhá, cần anh đưa đón à!”

Trần Tấn thì hay rồi, coi như không nhìn thấy sự kháng nghị của tôi mà xách cặp của tôi chạy trước. Chạy xa vài mét, anh còn quay đầu lại hét lên, chọc tức tôi: “Em là rùa hả, đi chậm vậy…”.

Lúc đó tôi đã nghĩ, Trần Tấn này sao mà đáng ghét thế. Nhưng tôi không ngờ, những năm tiếp theo đó, một Trần Tấn vẫn luôn đáng ghét ấy đã cùng tôi học tới năm lớp năm.

Khi tôi ngồi trong phòng học lớp năm, quay đầu lại nhìn Trần Tấn ở dãy bàn cuối cùng, thật sự lo lắng anh sẽ cứ học mãi lớp năm như vậy.

Hôm ấy tan trường, tôi nói với Trần Tấn: “Này, anh học hành chuyên tâm một chút đi, bớt gây chuyện không được sao, thật sự nghĩ mình là người toàn năng à!”.

Lúc ngang qua đường, tôi mải nói, không chú ý rằng có xe đi tới. Bỗng thấy Trần Tấn tùy tiện kéo tôi một cái thật mạnh. Nhân lúc tôi còn chưa kịp hoàn hồn, anh vòng ngón tay, búng lên trán tôi: “Con mắt nào của em nhìn thấy anh học hành không chú tâm?”.

Mấy năm rồi, tôi đã hiểu mình không thể tìm thấy sự uy nghiêm của một đàn chị trước mặt Trần Tấn, tôi hậm hực. “Thế gây chuyện thì sao? Có chấm dứt được không?”.

“Anh cố gắng vậy!” Câu trả lời của anh vẫn luôn lông bông như vậy.

Nhưng kể ra, năm đó cũng lạ, Trần Tấn không gây chuyện lần nào, trong kỳ thi lên cấp, số điểm của anh còn cao hơn cả tôi.

Về sau, mãi tới khi tôi và Trần Tấn cùng học cấp hai, cùng học cấp ba, thậm chí cùng lên đại học, học chung rất nhiều năm, tôi mới chợt nhận ra muộn màng, hỏi: “Này, năm xưa anh cố ý phải không?”.

“Cố ý thì sao?” Anh sát lại gần tôi rồi hỏi ngược lại.

Thì không sao, vì tôi đã là bạn gái của Trần Tấn rồi.

“Chẳng biết tôn trọng sư tỷ gì cả!” Tôi vẫn cứng miệng.

“Sư phụ nói rồi, với sư tỷ em, anh có thể tùy ý càn rỡ.”

“Bố em?” Tôi trợn tròn mắt: “Nói khi nào chứ!”.

“Mấy năm trước thì phải…” Anh đáp mơ hồ.

“Mấy năm trước!” tôi vẫn không chịu buông tha, nghĩ bụng sao bố có thể bán tôi đi như thế.

“Em nhiều chuyện thật.”

Tôi trợn tròn mắt, lần này không nhiều lời được nữa, miệng đã bị anh chặn lại rồi.

Haizz, hay cứ vậy cả đời đi, nhỉ…