Tháng 11 năm Canh Thìn, quân bị phía Đại Cồ Việt sắp chỉnh chu đâu vào đấy, cả nước từ vùng nội thành Đại La – Cổ Loa – Hoa Lư cho tới các biên ải Chi Lăng, Nam Quan hay các châu Ái, Hoan phía Nam và Lạng phía Tây Bắc dù vẫn còn chưa thuần phục triều đình nhưng đều đồng loạt hướng đến kinh thành. Bởi đây là lúc người Lạc Việt, người Chăm, người Thái hay Khmer, các tộc tiểu số chỉ cần đã sống và xem Đại Cồ Việt là quê hương thì đều muốn bảo vệ ngôi nhà chung này. Năm Canh Thìn sắp bước tới những tháng cuối cùng, quan dân binh đều có chung cảm giác hoang mang nhưng sẵn sàng, lo sợ nhưng quyết chiến, có hơi mờ mịt nhưng vẫn đấu tranh.

Thiên Hương nào đó vẫn làm con én nhỏ đưa tin về Tổ quốc. Nàng là ai? Không ai biết nhưng cả triều đều ngóng trong những mẫu giấy viết vội. Nhà Tống đã họp bao nhiêu binh, khi nào hành quân, ai làm tướng? Từng chút một thông tin lặng lẽ bay về kinh kỳ.

Tống triều đã thiết lập xong “Giao Châu hành doanh”, đây là tên gọi của Bộ chỉ huy viễn chinh, gồm một số tên tuổi nòng cốt:

Hầu Nhân Bảo được trao chức Giao Châu lộ thủy lục kế độ chuyển vận sứ, là Tổng chỉ huy quân thủy bộ ở Giao Châu.

Tôn Toàn Hưng có tài thao lược, được phong đại tướng, cùng Hầu Nhân Bảo chỉ huy Giao Châu hành doanh, đặc trách bộ binh, là Phó Tổng chỉ huy.

Hứa Xương Duệ làm Thông tín sứ, chịu trách nhiệm liên lạc các cánh quân cũng như thông tin chiến sự về Biện Kinh.

Hứa Trọng Tuyên đặc trách lương thảo.

Còn có Lưu Trừng, Trần Khâm Tộ, Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân và một số viên tướng khác đang được điều động từ chiến trường phía Bắc.

“Giao Châu hành doanh” xét cho cùng cũng chỉ là bộ phận thực hiện nhiệm vụ, tùy cơ ứng biến trong quá trình viễn chinh. Tham mưu đầu não, trực tiếp hiệu lệnh vẫn là ở Biện Kinh với Tống đế, Tể tướng Lư Đa Tốn, Khu mật sứ Sở Chiêu Phụ và nhiều cận thần nhà vua tin tưởng. Nói cách khác, đây không phải cuộc chiến giữa Lê Hoàn với Hầu Nhân Bảo mà là cuộc chiến của toàn dân nước Việt, của triều đình Đại Cồ Việt với giới cầm quyền tối cao nhà Tống. Dù ai thắng ai thua, đỗ máu là điều tất yếu.

Về số binh thì nghe nói là tập trung lực lượng cấm quân và sương quân (?) của Ung Châu, Kinh Hồ, Quảng Nam.

Thành Ung Châu kia không đâu xa lạ chính là thành phố Nam Ninh – thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây ngày nay, gần sát biên giới Việt Nam-Trung Hoa. Quân ở thành này ước chừng hai vạn, vốn do Hầu Nhân Bảo nắm giữ. Cách Ung Châu không xa chính là Quảng Nam, Tôn Toàn Hưng sẽ dẫn chừng một vạn binh bộ chờ họp với lực lượng của Hầu Nhân Bảo trên đất Đại Cồ Việt. Cả hai cánh quân này đều là quân có sẵn của triều đình, không mất thời gian chiêu mộ, phiên chế, như vậy mới thực hiện được kế sách “đánh gấp như tiếng sấm, đối phương không kịp bịt tai”.

Lư Đa Tốn lại bổ sung hơn hai vạn quân đóng ở Kinh Hồ, nhưng đây là bộ phận viện binh, sẽ đi sau lực lượng chính 70 ngày. Số binh này do Phó chỉ huy Hứa Trọng Tuyên phụ trách, cùng với Bộ tướng Lưu Trừng, Thủy tướng Trần Khâm Lộ.

Như vậy, về phía nhà Tống sẽ có hai lần xuất binh, tinh binh đi trước, viện binh theo sau. Về tổng quân Ung-Quảng và Kinh Hồ ước tính gần năm vạn, vẫn đông hơn so với Đại Cồ Việt.

Về phía ta, có lẽ Tống triều không ngờ tin tức đã đến Hoa Lư sớm hơn nhiều so với dự liệu, ngay bước đầu đã phá hỏng chiêu bài đánh bất ngờ, không kịp trở tay của Lư Đa Tốn. Cả nước Bắc Nam đều rộn ràng, hối hả chuẩn bị chống giặc. Từ quân trang đến lực lượng dường như đã đâu vào đấy, chỉ có một bất lợi là mùa thu hoạch cuối năm chưa tới, phải gần một tháng nữa, lương thảo tích góp tuy đủ nhưng về lâu dài vẫn thiếu. Cuộc chiến dự kiến sẽ dằn do bảy tám tháng, tiếp viện quân dược, thóc gạo hay vũ khí là điều không thể lơi là.

Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng này, lòng người rất dễ kích động, nhất là khi “trái tim” của toàn quân không đặt nơi hoàng đế.

Tôi là người giật dây phía sau, cũng là người biết trước mọi chuyện nhưng đến khi nó xảy ra, chính mình cũng thấy ngỡ ngàng.

Ngày hôm đó cũng như mọi ngày, tôi vẫn an nhàn ngồi trong cung điện, hưởng thụ cảm giác của bà hoàng trong khi Đông thành, Nam thành thì bộn bề hối hả. Biết làm sao được khi tôi là phận gái mà còn là Thái hậu đương triều, giống như một biểu tượng cao quý của hoàng tộc, đâu thể xoắn tay áo nhào vô giúp vui cùng mọi người. Vả lại Lê Hoàn cũng có chủ ý nhốt tôi trong hậu cung, anh đứng ra lo liệu từ A tới Z, tôi đóng vai hình tượng để ngồi sau rèm trong những cuộc họp lớn, giả vờ quyết định vài vấn đề, ngoài mấy chuyện này ra thì hầu như tôi bị giam lỏng. Thái hậu gà mờ này mà đi lung tung thế nào cũng làm ra vài chuyện ngớ ngẩn, mất mặt triều đình, thôi cứ an phận lo ăn với ngủ cho người khác nhờ!

Hôm ấy là một ngày nắng đẹp. Tôi bắt ghế dài hướng về phía vườn hoa, phát huy bản chất lười biếng mà nằm ườn ra ăn đậu phộng luộc. Tiểu Phúc đứng sau phe phẩy quạt lông, Tiểu Bình ngồi dưới đất đang vẽ móng chân cho tôi còn Tiểu An thì rất ngoan ngoãn bốc vỏ đậu phộng. Xa xa là ba nô tài đang đứng im cúi đầu chờ sai vặt. Hà hà… con gái nhà giàu thật là sướng!

Tôi nằm trên ghế trong tư thế tắm biển, tay chóng đầu, nhìn hoa bướm dập dềnh, miệng nhai nhóp nhép, mắt thiu thiu ngủ. Không gian Tây cung bốn bề im ắng, tiếng ong đập cánh cũng trở nên ồn ào. Khi tôi sắp bị cơn buồn ngủ đánh gục thì một âm thanh mơ hồ xa xa vọng vài tai “vạn tuế, vạn tuế,…”

Cái gì vạn tuế? Ai vạn tuế?

Tôi mở bừng hai mắt, Tiểu An đã ngưng bốc đậu, Tiểu Bình đã đặt lọ sơn xuống, Tiểu Phúc cũng không quạt nữa. Các nàng ngẩn ngơ nhìn đông ngó tây, nô tài cũng nơp nớp chạy lại

- Thái hậu nương nương, người có nghe gì không?

Tôi định thần lại, liền ngồi thẳng dậy, đặt chân xuống đất

- Đem hài ra cho ai gia!

Tiểu Phúc rất nhanh đặt đôi giày phượng xuống. Tôi mang giày, chạy hối hả vào tẩm phòng, kéo cái rương bí mật dưới gầm giường ra. Nghĩ ngợi thật nhanh, tôi quyết định chỉ ôm áo choàng hoa văn rồng chạy ra ngoài. Tôi không nói cho cung nhân biết chuyện gì đang xảy ra. Ba cô hầu theo phản xạ chạy cùng tôi, A Mẫn, A Bách, A Quân càng không thể không theo. Trong tòa cung điện vắng vẻ, tôi ôm long bào chạy hồng hộc qua cổng thành, một nhân ảnh đỏ rực cùng với cái đuôi dài như con rắn trườn theo sau, cảnh này cũng thật hiếm thấy!

Chạy qua mấy cửa mà không có một bóng lính canh, cung điện y như tòa thành bỏ hoang. Tôi theo đường hẻm núi chạy vào thành Đông, chỗ này lại hội tụ cả vạn người. Cấm vệ đã đổ dồn hết về đây, cố ngăn đoàn quân muốn tràn vào Chính Nghiêm điện. Đây là một cuộc biểu tình. Tôi sững sờ chậm bước rồi dừng hẳn lại, bởi tôi chưa bao giờ nhìn thấy đám đông lớn tới vậy. Số này nhiều như khán giả trong sân vận động. Họ tụ lại bên dưới tòa điện cao ngất, ngẩn mặt nhìn cánh cổng vàng đóng chặt. Ở lưng chừng bậc thang, Phạm Cự Lạng đang đứng, đối mặt nhìn đám đông, dùng hết sức lực để tiếng nói lấn áp mọi âm thanh:

- Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập Thập đạo tướng quân làm Thiên tử, sau đó mới xuất quân thì hơn!

Lời vừa dứt, hàng nghìn binh tướng lại gào lên “Vạn tuế”. Sắc mặt Lạng đỏ ửng, vì nắng, vì mới gân cổ hét hoặc vì quá kích động. Tôi sai rồi, anh ta rất có tố chất làm cán bộ Đoàn, truyền thụ tư tưởng, hô hào cộng đồng, Phạm Cự Lạng đã thành công đốt lên ngọn lửa của mấy vạn người. Cổng điện khổng lồ rồi cũng mở ra. Quan thần nhốn nháo đứng từ trên nhìn xuống, mỗi người một sắc mặt. Kẻ kinh hoàng, người khiếp đảm, cũng có vài vị vui mừng, hả hê.

Tôi nhìn thấy Lê Hoàn đứng giữa quần thần, anh nhíu mày trông Phạm Cự Lạng đang cầm đầu làm loạn bên dưới, có ngạc nhiên, có tức giận, cũng có bối rối. Đây là cả vạn quân đang đóng trong Tràng An chờ ngày xuất chinh, bọn họ là binh, cũng là dân. Khi mà dân chúng cả nước hướng mắt nhìn một người, tung hô vạn tuế, điều đó có nghĩa là họ đã có sự lựa chọn và họ chỉ phục tùng vị vua này thôi. Sức mạnh của quần chúng chính là ở đây, truyền thống, luật pháp hay quy chế ngôi vị,… mọi thứ đều không còn ý nghĩa. Trong thời thế chiến tranh cận kề, lính chính là lực lượng có tiếng nói nhất.

Ở xã hội phong kiến, chưa bao giờ người dân được chọn vua nhưng một khi ý nghĩ đó len lõi vào đầu họ thì không ai muốn khước từ cảm giác gọi là “sức mạnh dân chủ”. Toán trước hô “vạn tuế”, toán sau nối nhau “vạn tuế”, cả đám đông “vạn tuế”, Đông thành chỉ có tiếng “vạn tuế”, cả núi rừng Hoa Lư là âm thanh “vạn tuế”. Tiếng nói của quần chúng như con sóng thần không gì ngăn được, chưa khi nào đất Đại Cồ Việt chứng kiến một khung cảnh huy hoàng như vậy.

Cung đã căng dây không thể không bắn, lòng người đã quyết không thể không theo. Cho dù có hối hận tôi cũng không còn đường lui nữa. Vốn đứng trong một góc khuất, tôi cố hít một hơi bình tĩnh, sau đó đường hoàng bước ra ngoài. Trong đoàn người áo vải đạm bạc, sắc màu của lụa đỏ vô cùng chói mắt. Tôi từ phía sau đi tới, cấm vệ hiểu ý ra trước mở đường, cung nhân tháp tùng theo sau. Âm thanh tung hô vì sự có mặt của Thái hậu mà lịm dần rồi vụt tắt. Đây là biểu tượng của Đinh triều, người phụ nữ này là mẫu nghi thiên hạ. Bọn họ không ai nhắc ai đều đồng loạt dạt sang hai bên. Tôi như con hồng hạc rựa rỡ, đang từng chút len qua rừng cây ô hợp. Trong ánh mắt của toàn quân có sự e dè, có chút tôn kính và trịnh trọng. Đức hạnh của Dương Vân Nga không ai không biết, những gì bà ấy làm khi còn là hoàng hậu khiến người người quý mến và biết ơn. Nay bọn họ suy tôn Lê Hoàn, đồng nghĩa với việc lật đổ Đinh gia, vị thái hậu này… lòng dân thật khó xử!

Tôi điềm tĩnh nhìn qua những khuôn mặt mộc mạc và quê mùa, cảm thấy có chút gì thân quen như sự gắn kết dân tộc. Con đường được mở ra và tự động khép lại phía sau, điều này có nghĩa là chỉ tiến không thể lùi. Tôi đi hết chiều dài sân cung, bước từng nấc trèo lên Chính Nghiêm điện. Ở bậc thang trên cùng, hoàng đế đang đứng lặng. Ngài nhìn bộ dáng chật vật kéo váy của tôi, nhìn cái đuôi phượng hoàng ôm theo nếp gấp thềm thang, cứ như tấm thảm đỏ lấp lánh màu kim tuyến. Tôi lướt qua Phạm Cự Lạng, nghe tiếng anh ta thoảng trong gió:

- Thái hậu hối hận rồi à?

Tôi không trả lời, chỉ tiếp tục đi lên. Bao nhiêu đôi mắt đang dõi theo cái bóng nhỏ nhắn, mảnh mai ấy… Tôi dừng lại thấp hơn Lê Hoàn một bậc thang, ngẩn đầu nhìn anh. Đôi mắt kia đen thẳm, dường như chứa quá nhiều cảm xúc đến nổi mơ màng.

Tôi quay lại trông xuống đám đông đang im thin thít ngẩn đầu nhìn. Lại hít sâu để giữ nét mặt thanh tĩnh, tôi cúi đầu nhìn chiếc áo trong tay. Màu vàng – màu của hoàng quyền. Kim long – đại diện cho Thiên tử. Nó có công sức nhiều ngày khâu vá của tôi, nó mang ý nghĩa mở đầu một triều đại và nó sẽ đem hòa bình, độc lập về cho non sông.

Tôi vươn tay giũ áo choàng ra, mọi người đều nhìn thấy hoa văn rồng công phu, sáng rực trên thân áo. Đám đông ồ lên, lại kích động lần nữa. Có ai đó trong nhóm quân thần hốt hoảng kêu lên: “Hoàng thái hậu!”

Lê Hoàn mở to mắt, nhìn tôi chầm chậm bước tới bên anh, rồi choàng tay khoắc long bào lên bờ vai vững chãi. Màu vàng chói lóa này ở trên người anh, không ngờ lại hợp như thế! Tôi vừa khẽ cười, vừa tỉ mỉ cột nút dây nơi cổ áo. Cả quá trình không ai thốt lên tiếng nào, trên dưới trong ngoài đều chìm lặng trong tiếng tim thình thịch. Mặc xong, lùi ra sau một bước, tôi nhẹ nhàng quỳ xuống, giọng nói ngâm nga:

- Ngô hoàng vạn tuế!

Chính lúc đó, cả thế giới như sực tỉnh ra. Nghìn vạn binh không hẹn mà cùng quỳ xuống

- Ngô hoàng vạn tuế, vạn tuế, vạn, vạn tuế…

Sau đó các quan thần cũng bàng hoàng quỳ theo.

- Ngô hoàng vạn tuế, vạn tuế, vạn, vạn tuế…

Buổi sáng đặc biệt hôm đó, cả thành Hoa Lư đều quỳ dưới chân anh, cầu chúc hoàng đế vạn tuổi. Cũng buổi sáng khó quên hôm đó, triều đại họ Đinh đã chính thức kết thúc và kỉ nguyên mới của triều Tiền Lê mở sang chương sử đầu tiên.

Và tôi, Dương Vân Nga của hiện tại cũng rất vui sướng được hạ mình trước vị hoàng đế tôi nể phục và tôn sùng, cũng là người đàn ông tôi thần tượng và yêu thương nhất.

Bệ hạ đứng chết trân ở đó, mắt không thể tin được nhìn cô gái đang phủ phục dưới chân ngài, nhìn sang mấy trăm quan chức và mấy vạn quân binh. Lần đầu tiên tôi biết có người được làm vua mà lại mang biểu cảm quái gỡ như Lê Đại Hành!