Những ngày hè kinh khủng bắt đầu.

Tôi quyết định học khóa hè năm môn dành cho những học sinh đang muốn thi vào trường cấp ba của thành phố tại một trường dạy thêm nổi tiếng. Sáng thi thử, chiều học trên lớp, mãi đến tối mới xong, nên tôi phải thu xếp các buổi học piano và cảm âm sang buổi tối. Vào những ngày không phải đi học thêm, tôi dành thời gian đó để học nhạc lý. Sau khi chờ cho lớp dạy riêng của mẹ kết thúc, tôi xuống tầng hầm và chơi piano cho đến lúc rạng sáng.

Tôi không suy nghĩ nhiều lắm về mấy việc này; cứ thế hoàn thành từng việc được đặt ra cho mình. Không gì hơn. Thường tôi sẽ dành thời gian lúc đi trên tàu để chợp mắt.

Khi tập xong piano, tôi sẽ tắm rửa, sau đó lăn quay lên giường và ngủ.

Thi thoảng tôi có mơ. Naomi ít khi xuất hiện trong những giấc mơ đó. Nhưng người thường xuyên xuất hiện lại là Tetsuya. Đó là những giấc mơ chán chường về việc chơi ném bóng hoặc chạy bộ cùng cậu ta. Trong giấc mơ, cơ thể của tôi di chuyển chẳng có gì khó khăn, nên tôi có thể bắt kịp được cậu ta. Chắc phải thế thì mới là mơ chứ.

Song có những lúc tôi cũng mơ thấy Naomi. Cô ấy đeo chiếc chân giả mà cha cô đã nhắc đến, và cô đang chạy. Tetsuya và tôi sẽ đuổi theo sau lưng, nhưng cô ấy chạy với một tốc độ khiến cho chúng tôi khó lòng đuổi kịp. Trong mơ, chứng hen suyễn của tôi chưa bao giờ giở chứng.

Nếu hai người đó xuất hiện trong giấc mơ của tôi, thì rất có thể họ đang quanh quẩn trong tâm trí của tôi. Tuy nhiên, với thời gian biểu bận rộn, tôi không có hơi sức để suy nghĩ quá nhiều về những giấc mơ ấy.

Ngay khi kỳ nghỉ hè sắp sửa kết thúc, tôi tình cờ gặp được Higashiyama ở ga tàu trên đường đi từ lớp học thêm về. Cậu ta cũng vừa xong buổi học thêm, nhưng chỗ cậu ta học không nhận hết học sinh như chỗ của tôi. Đó là một trong những trường điểm của thành phố mà bạn phải vượt qua một loạt những bài kiểm tra rất khó mới được vào.

Nhà hai thằng nằm chung một tuyến đường, nên vừa đi chúng tôi vừa nói chuyện. Chúng tôi đã học chung một lớp hồi năm ngoái, vào lúc có cuộc thi hợp xướng, cậu ta là chỉ huy dàn nhạc, còn tôi đánh piano, nên chúng tôi cũng có quen biết nhau để chào hỏi mấy câu mỗi khi gặp mặt trong hành lang.

Chúng tôi trao đổi một chút về bài vở ở lớp học thêm. Sau đó chúng tôi chuyển qua chủ đề thi vào trường nào. Đối với Higashiyama, một ngôi trường tư thục hàng đầu đang nằm trong tầm tay. Giờ chỉ là vấn đề lựa chọn giữa một trường cấp ba chuyên để ôn thi vào đại học hay là một trường cấp ba liên kết với đại học.

“Tao vẫn chưa quyết định đâu,” cậu ta thừa nhận. “Nếu mà chọn trường ôn thi đại học thì tao không chơi bóng chày được.”

Ước mơ của cậu ta là lọt được vào một trong các đại học tốp sáu và được thi đấu ở sân vận động Jingu.

“Nhưng nếu có thể vào được đại học Tokyo, tao sẽ được thi đấu. Tao muốn trở thành cầu thủ xuất phát và đánh được một cú ném của Tetsuya. Nó thì chắc có cơ hội ngon nhất để thành cầu thủ chuyên nghiệp rồi.”

“Nếu là mày, tao chắc chắn là có thi vào trường công lập mày vẫn có thể là cầu thủ chủ lực được.”

Tôi không am hiểu về bóng chày, nhưng cậu ta chạy cực kỳ nhanh và phòng thủ rất giỏi, nên tôi đoán là có đi vào đội nào cậu ta cũng sẽ đóng một vai trò lớn.

“Có cơ hội quái đâu. Tetsuya thì kinh rồi - có cả một đống trường đang chiến đấu để có được nó. Lý do mà tao không được trường nào ngó đến là bởi vì không đủ trình. Nói thật với mày là tao còn nhận được một lời mời từ tổ điền kinh cơ, tin hay không thì tùy.”

“Của trường nào?”

“Không đáng quan tâm. Khi tao nói với họ điểm phân loại học lực của tao, họ làm như vừa ôm phải bịch than hồng. Mà đằng nào thì tao cũng không có hứng thú với điền kinh. Tao thì hoặc chơi bóng chày hoặc là thôi.”

“Thế nếu mày nhận được lời mời chơi bóng chày từ trường nào thì mày sẽ chọn trường đấy hả?”

“Không, bởi vì chẳng có gì là chắc chắn rằng tao sẽ thành công cả. Tao sẽ vào một trường đại học hàng đầu rồi kiếm việc làm. Thế nên tao mới ôn luyện nhiều thế này cho kỳ thi. Tetsuya thì đang xả hơi bằng cách mò đến buổi tập của tổ bóng chày và gò mấy đứa tân binh vào nề nếp để lấy lòng huấn luyện viên.”

“Vậy là cậu ta vẫn đi tập à?”

“Ờ. À, nhắc mới nhớ. Hôm nọ khi tao đến xem đội bóng đang làm ăn ra sao, nó có nhắc đến mày. Bọn mày là bạn bè chí cốt hả?”

Tôi không chắc liệu chúng tôi có thể gọi nhau là “chí cốt”. Không biết tại sao, nhưng tâm trạng của tôi đột nhiên bỗng trở nên bất mãn. Higashiyama không để ý rằng tôi đã ngừng nói chuyện và vẫn cứ tiếp tục với một giọng tưng tửng: “Nó bảo muốn gặp mày. Nó không biết là gọi điện cho mày có được không. Thằng đấy mà do dự như vậy thì lạ thật đấy, mày nhỉ?”

Tôi cố đổi sang chủ đề khác bằng cách hỏi: “Thế thằng Funabashi giờ làm gì?”

“Hình như nó cũng đang trợ giúp cho huấn luyện viên. Tao đoán là nó thôi không thi thố gì nữa rồi.”

Higashiyama sống ở một khu chung cư cao tầng cực kỳ sang trọng, mười tầng và có cả một nhà hàng Ý ở tầng trệt. Tôi trông thấy tấm biển của nhà hàng đó ở một đoạn cách đây không xa.

“Nguyện vọng đầu tiên của mày là một trường công của thành phố nhở?” Higashiyama hỏi.

“Ừ, nhưng vì hầu như câu hỏi nào cũng sẽ là trắc nghiệm A, B, C, D, E, nên tao chỉ có cách cố mà nhét hết tất cả vào đầu thôi.”

“Mày vẫn sẽ thử thi vào một trường tư để đề phòng chứ?”

“Tao đang cố không nghĩ đến vụ trường tư, bởi vì học kỳ hai này là tao với mày nhận được kết quả học lực rồi. Toán là điểm yếu của tao, nên học cho xong những thứ trên trường đối với tao đã là ghê lắm rồi. Mấy bài toán thi đầu vào của trường tư thì tao chịu chết.”

“À thì, đúng là bài thi vào cấp ba tư thục khó hơn nhiều, nhưng cho dù điểm phân loại học lực của mày có cao hơn bảy mươi và vào được một trường cấp ba chuyên thi đại học, mày cũng vẫn sẽ phải học với những đứa đã học trước đến cả mấy lớp từ lúc chúng nó còn học tiểu học; bắt kịp chúng nó cũng là cả một vấn đề đấy. Khoan, em trai mày cũng đi học ở một trường tư thục cấp hai mà nhỉ?”

“Ừ. Nó ít hơn tao một tuổi mà đã học ‘mô hình nguyên tử của Bohr’ trong môn khoa học rồi.”

“Khiếp nhỉ. Đến cả tao còn chưa nghe bao giờ.”

Tấm biển nhà hàng càng lúc càng gần. Khi chúng tôi tạm biệt nhau, cậu ta quay lại hỏi: “Thế mày định làm gì với dự định âm nhạc của mày? Bỏ đấy và thi vào một trường bình thường à?”

“Tao chưa quyết định được, nhưng tao đang ôn luyện với ý định thử thi vào khoa âm nhạc tại một trường cấp ba công lập.”

“Thế thì mày cũng phải học piano nữa à?”

“Ừ, nên giờ tao phải học cả hai đây.”

“Thật? Chà, vậy là vất vả đấy.”

Mặc dù cuộc đối thoại chỉ dài có thế, nhưng tôi vẫn mừng khi đã có cơ hội trò chuyện với cậu ta.

Nói thật thì tôi chưa từng có nhiều bạn bè.

Một phần là bởi từ lúc còn nhỏ, tôi hiếm khi ra ngoài chơi; gia đình tôi cũng chuyển nhà một vài lần nữa. Nhưng bởi vì đứa em trai lúc vào cấp một vẫn có thể kết bè kết bạn ngay lập tức, nên tôi đoán lý do tôi không có bạn là vì tính cách của tôi hơn là vì lý do gì khác.

Cũng chẳng phải là do lúc nào tôi cũng cau có; chỉ có điều tôi không thể thúc ép bản thân lúc nào cũng có thể tỏ ra hớn hở. Bên cạnh đó thì tôi không có hứng thú lắm với mấy thứ mà những đứa khác trong lớp hay thích như trò chơi điện tử, game nhập vai, những mẩu chuyện hay đi kèm cùng mấy món đồ ăn vặt, hoặc những bộ phim dã sử được chiếu mỗi tối chủ nhật. Tôi không biết điều gì về những thứ mà ai nấy dường như cũng đều biết rất rõ. Nên không có gì ngạc nhiên khi tôi không thể tham gia vào những câu chuyện nổ ra trong lớp.

Higashiyama, người vừa giỏi nhất lớp vừa cừ thể thao, lúc nào cũng tỏ ra bàng quan tới những thứ đang thịnh hành lúc bấy giờ. Có lẽ vì cuộc sống bận rộn với việc học và tập luyện, nên cậu ta không có thời gian dành cho mấy trò đó, thành ra khi nói chuyện với cậu ta tôi thấy thoải mái.

Sau khi chào nhau xong, tâm trạng của tôi còn u uẩn hơn nữa.

Các trường công lập còn đặt nặng học lực hơn cả trường tư. Ít nhất thì với trường tư còn có lựa chọn đi học tại một trường chuyên ôn thi đại học hoặc một trường liên kết; thời gian đi học cũng khác nhau. Các trường công được thành lập theo từng tuyến, giữa các trường không có một sự khác biệt riêng lẻ, học lực bao nhiêu thì theo trường ấy. Nên đương nhiên là thầy cô giáo của bạn sẽ quyết định bạn sẽ thi vào trường nào dựa trên kết quả thi thử của bạn.

Tôi cảm thấy nặng nề, cảm thấy như mình đã cố gắng hết sức trong suốt bốn mươi ngày của kỳ nghỉ hè, song toán và khoa học vẫn là điểm yếu, có học đến đâu cũng không cách nào nâng được điểm số của mình trong hai môn ấy. Nếu tôi thử thi vào một trường công lập bình thường, thầy cô có lẽ sẽ chỉ để cho tôi thi vào một trong những trường ở nửa cuối danh sách.

Khi mở cửa đi vào nhà, tôi có thể nghe thấy tiếng nhạc Mahler vang khắp nơi.

Em trai tôi có vẻ đã quyết định là sẽ không chơi lại bóng chày sau khi bỏ chơi để tập trung ôn thi vào cấp hai, bởi vì sau khi nhập học rồi, nó lại chọn câu lạc bộ tennis, các buổi tập ở đó dễ hơn nhiều. Dù vậy thì vẫn có các đợt tập huấn và thi đấu trong nửa đầu kỳ nghỉ hè, nên nó không có nhiều thời gian để học. Chắc nó đang có cả một núi bài tập để hoàn thành.

Dưới tầng hầm, tôi nghe thấy có người đang tập một bản nhạc của Czerny.

Tôi muốn nói chuyện với ai đó, bèn lên trên nhà và tiến về phía phòng của Kousuke. Đằng nào nó cũng sẽ không nghe thấy vì tiếng nhạc quá lớn, nên tôi chẳng màng gõ cửa mà cứ thế bước vào trong phòng và hét lên: “Ê! Khỏe không?”

“Tàm tạm. Anh bị sao thế?”

Kousuke ngẩng đầu lên trả lời. Chúng tôi chỉ hơn kém nhau đúng một năm, nên kể từ lúc còn nhỏ chúng tôi đã nói chuyện với nhau thoải mái như bạn bè.

“Mày vặn nhỏ tiếng xuống được không? Tao muốn hỏi mày cái này.”

“Sao thế? Lại có bài toán nào cần giải à?”

Trường cấp hai của nó là một hệ thống trường liên cấp. Học đến nửa kỳ đầu năm thứ hai, lớp của nó gần như đã học xong chương trình của cả năm tới, nên mấy câu hỏi xuất hiện trong bài kiểm tra đầu vào cấp ba công lập với nó chẳng có gì khó. Mỗi khi tôi gặp phải một bài toán không thể giải nổi, thỉnh thoảng tôi sẽ sang phòng nó và nhờ được gợi ý.

Sau khi Kousuke đã vặn nhỏ tiếng xuống, tôi tiến đến và ngồi xuống mép giường nó.

“Tại sao mày lại học?”

“Chắc là anh đang gặp phải loại khủng hoảng trung niên nào đó thì mới hỏi câu đấy chứ hả?”

Nó nói bằng một giọng hết sức già đời. Khi chúng tôi còn nhỏ, người ta vẫn thường tưởng nhầm hai thằng là anh em sinh đôi bởi chúng tôi nhìn quá giống nhau, nhưng gần đây nó đã cao hơn và mặt nó không còn núng nính như em bé nữa, nên dung mạo của nó càng lúc càng giống như một người trưởng thành.

“Tao không cần tư vấn tâm lý, cứ trả lời đi xem nào?”

“Em có trả lời thì cũng đâu giúp ích gì cho cuộc đời của anh.”

“Nói mau lên.”

“Đây, nói giờ đây. Trời ạ.”

Nó vứt cái bút chì máy đang cầm lên bàn rồi quay sang phía tôi.

“Ở trường anh có một người tên là Hanegi Tetsuya phải không?”

Tôi không ngờ tên cậu ta lại được nhắc đến trong câu chuyện này, nên đã bất chợt rùng mình.

“Ừ, thì sao?”

“Hồi còn chơi bóng chày em đã có cơ hội được đấu với đội của anh ấy một lần.”

“Ủa vậy á?”

“Hồi đó anh ấy đã là ngôi sao rồi. Anh ấy ném ra những đường bóng phi thường, khả năng đập bóng cũng hoàn toàn trội hơn so với những đứa cùng lứa. Mà không chỉ có thế, sự tự tin cứ như toát ra từ người anh ấy vậy. Mới đó mà đã có tố chất của một cầu thủ hàng đầu. Em ít hơn một tuổi, nhưng em nhận ra rằng kể cả có tập luyện hết mình cũng không thể nào đạt được đến trình độ của anh ấy trong một năm. Lúc đó đang là thời điểm em phải quyết định có nên tiếp tục với bóng chày nữa không, nên nhờ thế mà em đã có đủ động lực để đưa ra quyết định của mình.”

“Hóa ra đó là lý do mà mày đã quyết định là sẽ học để thi hả? Nhưng trong lớp có thể cũng sẽ có người giỏi hơn mày cơ mà?”

“Có chứ. Ngay trong lớp em đã có đến năm thiên tài rồi, chúng nó kiểu gì cũng sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà chúng nó theo đuổi. Khả năng của em ở tầm đúng chính giữa trung bình trong lớp. Nếu mọi thứ đều ổn thì em có thể vào được một trường đại học tốp đầu. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ vào làm một công ty và trở thành một doanh nhân hạng xoàng như anh hay thấy.”

Nếu nó nói điều này ra với bất kỳ ai thì có lẽ cũng sẽ khiến cho họ thấy sôi máu, nhưng nó lại là em trai tôi. Nó nhe răng cười với tôi.

“Em thấy chuyện đó không thành vấn đề. Em không thể trở thành một ngôi sao được - từ hồi lớp năm em đã nhận ra điều đó.”

Đây là lần đầu tôi nói chuyện kiểu này với nó. Tôi ngạc nhiên khi thấy cho dù trẻ hơn tôi nhưng nó đã có một quan niệm buông xuôi như thế về cuộc đời. Tôi cảm thấy như trẻ ra mấy tuổi.

Sự chán chường của tôi lộ rõ ra ngoài.

Nó chăm chú nhìn mặt tôi. Như để giúp tôi khỏi nghĩ về mấy chuyện đó, nó liền đổi chủ đề: “Này anh trai, anh quen Hanegi Tetsuya à?”

“Sao mày hỏi?”

“À, vì vừa nãy anh ấy có gọi qua.”

“Nó gọi á? Thật ấy hả?”

Tôi cuối cùng cũng nhận ra lý do tại sao nó lại đột nhiên nhắc đến Tetsuya khi nãy.

“Em vừa mới nhấc ống nghe lên thì anh ấy đã nói điếc hết cả tai, làm em giật cả mình. Chắc anh ấy nhầm em với anh. Nghe cách anh ấy nói chuyện thì hai anh thân nhau lắm.”

“Với ai nó cũng nói như thế mà.”

“Dù sao thì… em cũng thấy ấn tượng đấy! Em không biết anh là bạn bè với anh ấy. Sau này chắc chắn anh ấy sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp cho xem.”

Nó hào hứng nói. Hồi Kousuke còn học tiểu học, nó rất mê bóng chày, ngày nào cũng ngồi xem các trận đấu trực tiếp trên TV. Có lẽ hồi còn hoạt động trong tổ bóng chày nó đã từng ngưỡng mộ Tetsuya. Việc tôi là bạn bè với một người như Tetsuya đối với nó quả là ghê gớm.

Nghe nó nói thế khiến cho tôi thấy vui lên chút chút.

Cũng cùng hôm đó, Tetsuya lại gọi điện đến nhà tôi.

Tôi nhấc máy do đã chờ sẵn.

“Ê! Lần này là ông rồi hả?”

Tôi nghe thấy giọng cậu ta đầu bên kia; chúng tôi mới chỉ nói chuyện qua điện thoại có lần này. Giọng của cậu ta nghe hơi khác so với khi nói chuyện trực tiếp.

“Ừ, là tôi đây.” Tôi đáp.

“Thế lần trước người nghe máy là em ông hả? Ông chưa bao giờ nói là có em trai cả!”

“Ừ thì, ông có hỏi bao giờ đâu.”

“Thấy ông chẳng bao giờ nói năng gì nên tôi cứ tưởng ông là con một.”

Cách nói năng của cậu ta vẫn bình thường, nhưng trong đó thiếu đi sự vui vẻ thường thấy.

Vì giáo viên ở trường lúc nào cũng nhắc nhở chúng tôi không nên phí quá nhiều thời gian để nói chuyện qua điện thoại, nên có lẽ tầm tuổi chúng tôi đứa nào cũng thích gọi cho nhau để buôn chuyện; song Tetsuya lại không phải là kiểu thích gọi điện dông dài. Người như cậu ta gọi điện ắt phải có lý do đặc biệt nào đó. Nhưng lòng vòng không vào chủ đề chính thế này cũng chẳng giống cậu ta chút nào.

Trong thoáng chốc, đầu bên kia không phát ra âm thanh nào, như thể cậu ta đang lưỡng lự nói ra.

“Gần đây ông không đến bệnh viện phải không?”

“Tôi phải đi học thêm nên cũng chẳng có thời gian.”

Cũng có khi câu trả lời của tôi nghe hết sức lạnh nhạt; sự im lặng lại một lần nữa lẻn vào cuộc nói chuyện.

“Naomi sắp sửa phải phẫu thuật rồi.”

Giọng cậu ta nghe thật khổ sở.

“Phẫu thuật á? Phẫu thuật như nào?”

“Là một dạng kiểm tra. Họ sẽ chỉ lấy một vài lớp mô nhỏ làm mẫu, nên đây không phải là đại phẫu. Nhưng riêng việc này cũng đã cho thấy rằng họ đang có nghi ngờ.”

“Ý ông là sao?”

Cho đến giờ tôi vẫn chưa hỏi rút cục thì Naomi đang có bệnh gì. Nhưng căn bệnh đó đã khiến cho cô ấy phải cưa mất một chân, nên nó hẳn phải là một căn bệnh quái ác.

“Nghi ngờ gì? Nói ra xem nào!”

Tôi vô tình lên giọng.

“Bác sĩ cũng không nói rõ ràng gì cả, nhưng có vẻ như hạch bạch huyết dưới nách trái của nó đang viêm. Họ nói họ không thể chẩn đoán chắc chắn được nếu không thực hiện kiểm tra. Tùy vào kết quả, sẽ có thể có những cuộc phẫu thuật phức tạp hơn. Tôi hiểu ông đang bận, nhưng đôi khi hãy đến thăm Naomi nhé, có được không?”

“Được,” tôi đồng ý.

Sau khi chúng tôi đã chào nhau và cúp máy rồi, tôi vẫn cứ đứng đó cầm ống nghe trên tay. Cả hè này tôi chưa một lần đến thăm cô ấy. Đó là bởi vì tôi sợ bị tổn thương; rút cục tôi chỉ nghĩ cho riêng mình.

Tôi đặt ống nghe trở lại giá đỡ rồi quay về phòng. Tiếng nhạc Mahler văng vẳng qua vách tường mỏng. Chất giọng soprano với âm điệu hoàn hảo gần đạt đến mức máy móc. Tôi định bụng đeo tai nghe vào và chơi piano, nhưng cuối cùng lại chọn nằm lên giường và lắng nghe thứ âm nhạc đang cất lên ở phòng bên cạnh. Tôi chưa từng thử nghĩ xem vì sao em trai tôi lúc nào cũng nghe nhạc của Mahler.

Cho đến giờ, tôi vẫn cứ bỏ qua nhạc của Mahler vì lý do cường điệu và quá ồn, nhưng tối nay, mỗi một nốt nhạc lại đâm xuyên vào tâm can của tôi. Nỗi đau ấy có cảm giác dễ chịu. Tôi đoán Kousuke đang phải trải qua rất nhiều chuyện và Mahler đã trở thành cứu cánh của nó.

Giờ khi bỏ thời gian ra để lắng nghe thật kỹ, tôi mới nhận thấy rằng nhạc của ông cũng không đến nỗi nào.

Ngày hôm sau, tôi bỏ về sớm trước khi giờ học thêm kết thúc và lên đường tới bệnh viện.

Ánh nắng mặt trời chiếu xiên xuống mặt đất bên dưới đích thực là của mùa hè trong thời điểm rực rỡ nhất. Song khu vườn trước bệnh viện đã thay qua màu áo khác và mang chút không khí của mùa thu.

Chị Izumi đang ngồi trước quầy y tá.

“Ôi chao! Lâu rồi không thấy em.”

Chị ấy nở ra nụ cười hiền hậu. Tôi đến bệnh viện với tâm trạng thấp thỏm, sau khi thấy bảo về chuyện phẫu thuật, nên sự điềm đạm mà chị thể hiện ra bên ngoài khiến tôi có phần ngạc nhiên. Thế nhưng ngẫm lại mới thấy, đây có lẽ chính là một phần của nghề y tá. Họ không thể để cho cảm xúc của mình liên tục bị lay chuyển bởi sức khỏe của bệnh nhân.

Naomi chỉ có một mình khi tôi bước vào phòng cô ấy.

“Tetsuya hôm nay không có ở đây sao?” tôi hỏi. Ngay khi vừa mới nói dứt câu, tôi mới nhận ra cậu ta vẫn luôn quẩn quanh trong tâm trí tôi.

“Đi tập bóng chày rồi. Cậu ta chỉ tới vào buổi tối thôi.”

Cô ấy dửng dưng trả lời. Đã một tháng kể từ lần cuối tôi đến gặp cô ấy. Tôi những tưởng cô ấy sẽ thấy bất ngờ, hay ít nhất thì cũng sẽ chì chiết tôi về việc tại sao lại không đến thăm, nhưng vẻ mặt cô ấy vẫn không hề xoay chuyển. Mặt khác, trông cô ấy như đang gắng gượng để không lộ ra những cảm xúc trong lòng.

Tôi ngồi xuống cái ghế đặt cạnh tường như thường lệ. Còn cô thì vẫn nằm yên đó. Sự im ắng nặng nề trùm lên căn phòng. Tôi không thể đoán nổi tâm trạng của cô ấy. Tôi có hơi ngạc nhiên vì cô ấy trông vẫn khỏe mạnh. Tại Tetsuya có nói rằng cô ấy sẽ cần phải được khám chữa sớm, nên tôi nghĩ trông cô ấy sẽ tiều tụy đi phải biết, nhưng cô ấy trông không khác mấy so với một tháng trước… chí ít thì nhìn bên ngoài vẫn vậy. Thứ duy nhất để tiết lộ về một điều không hay là hai quầng thâm đậm dưới mắt cô ấy.

Vào ngày sinh nhật của Naomi, và cả ngày hôm trước khi tôi đến thăm cùng với Tetsuya, cô ấy đã tỏ ra lạnh nhạt với tôi. Cô ấy và Tetsuya là bạn từ nhỏ, còn tôi chỉ là người ngoài. Vì như thế, nên cách đối xử của cô ấy với tôi là hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng hôm nay cô ấy có hơi khác. Là cô ấy e dè với tôi? Hay vì tâm trạng cô ấy đang buồn khổ vì một cú sốc nào đó?

Tôi muốn nói với cô ấy một câu động viên. Nhưng tôi không hiểu được trong lòng cô ấy đang chứa đựng cảm xúc gì. Nếu không cẩn thận với lời nói của mình, tôi sẽ chỉ làm tổn thương cô ấy. Trong lúc tôi vắt óc ra xem nên nói gì, sự im ắng càng lúc càng bị kéo căng ra.

Chợt tôi nhận ra những giọt lệ đang dâng đầy mí mắt cô ấy. Chẳng lẽ sự im lặng của tôi đã làm tổn thương cô ấy ư? Mặt cô ấy méo xệch. Tôi cứ nghĩ Naomi sắp sửa òa khóc, nhưng ngay sau đó, bờ môi cô ấy bật mở và để lộ ra tiếng cười. Một điệu cười ngượng nghịu, giả tạo. Cô ấy bắt đầu cười rất to.

“Cậu kỳ thật đấy biết không hả?”

Cô ấy nói giữa những tràng cười.

Dòng nước mắt lăn xuống má cô. Những cảm xúc của cô ấy xoay vần như chiếc kính vạn hoa, khiến tôi khó mà theo kịp.

“Có gì vui thế?” tôi hỏi.

“Bởi vì cậu hấp quá đi mà!”

“Thật á?”

“Đúng rồi còn gì! Cậu đến bệnh viện để thăm người ốm, vậy mà suốt nãy giờ không nói năng câu nào! Thế mà gọi là đến thăm được sao!”

Cô ấy nói hoàn toàn đúng. Tôi chẳng có gì để biện minh. Cô lừ mắt nhìn tôi với nét hiềm khích trong đôi mắt. Môi cô hé nụ cười, nhưng không khí trong phòng vẫn mang sự căng thẳng báo hiệu rằng cô ấy có thể sẽ khóc bất cứ khi nào.

“Hè này cậu làm gì?”

Tôi chỉ có thể dùng một câu trả lời chung chung để đáp lại: “Mình đang phải học thêm để ôn thi.”

“Ồ vậy à? Khổ ghê.”

“Mình chỉ đang làm điều mà ai cũng làm thôi.”

“Học tập vất vả như vậy để làm gì?”

“Chịu thôi. Nếu mà nghĩ đến đó thì sẽ không dứt ra được mất.”

“Gì cơ? Cậu chưa suy nghĩ gì về chuyện đó à?”

“Chưa. Mình cứ để đầu óc trống rỗng vậy thôi.”

“À, thế nên cậu cũng quên luôn về mình chứ gì?”

“Mình không có nói vậy,” tôi vội vàng đáp nhưng vẫn bị cô ấy dò xét với vẻ ngờ vực.

“Vậy là cậu có nghĩ đến mình… dù chỉ là một chút thôi hả?”

“Mình đã nghĩ đến cậu.”

“Nhưng hôm nay cậu đến chỉ là vì Tet đã nhờ thôi chứ gì?”

Thì là thế, nhưng cũng đúng là tôi chưa từng quên cô ấy. Điều đó khó mà nói ra thành lời được, nên tôi đành nhìn ra chỗ khác và không nói gì.

Cô cười khúc khích, “Mình là người đã nhờ cậu ta gọi cho cậu đấy.”

Tôi nhìn về phía cô ấy.

“Mình muốn được gặp cậu.”

Đôi mắt cô gán chặt lấy tôi trong lúc nói vậy.

“Kitazawa.”

Cô ngẩng đầu lên một chút khỏi chiếc giường để nhìn tôi chăm chú.

“Cậu có còn nghĩ về việc tự tử không?”

Câu hỏi này khiến tôi không biết phải trả lời thế nào. Tôi vẫn luôn mang cuốn sách của Haraguchi Junzo theo người, nhưng đúng là tôi không còn mở nó ra nó nhiều như trước. Cả tháng nay tôi bận bịu suốt. Nhưng không chỉ có thế, chuyện là tôi đã không còn muốn đọc nó sau khi gặp được Naomi. Bởi vì những thứ mà Naomi phải đương đầu thực tế hơn và nghiêm trọng hơn bất cứ thứ gì được ghi lên những trang giấy của một cuốn sách. Song tôi không biết làm thế nào mới có thể giải thích được điều đó với cô ấy.

Không thể tìm được cách thích hợp để giãi bày cảm xúc của tôi thành lời nói, nên tôi đành gật nhẹ một cái. Cô chống khuỷu tay lên giường để nhấc tấm thân trên của mình dậy.

“Vậy cậu có muốn, tự tử cùng mình không?”

Ánh mắt cô tựa hai viên đạn găm thẳng vào người tôi.

Tôi xuống xe buýt và chậm rãi đi trên con đường hẹp dẫn lên nhà tôi. Tôi chẳng muốn về nhà, song không còn nơi nào để tới.

Khi vòng qua khúc quanh và bước lên lối đi trước nhà, tôi thấy con xe trắng đỗ trước cửa. Ánh đèn của lớp dạy nhạc dưới tầng hầm đang bật. Tôi cảm thấy có phần nhẹ nhõm trước cảnh tượng này; thường thường vào giờ này, mẹ tôi sẽ ở trong bếp chuẩn bị cho bữa tối. Chắc là có ai đó đặt lịch vào phút chót.

Tôi đang không có tâm trạng nói chuyện với bất kỳ ai. Cha tôi không khéo vẫn ở chỗ làm, còn Kousuke có lẽ vẫn đang chìm trong nhạc Mahler như mọi khi.

Ngay khi vừa đặt chân lên bậc cầu thang gần cửa ra vào, tôi đã nghe thấy tiếng mẹ: “Ryoichi! Ryoichi!”

Mẹ đang gọi tôi. Khi tôi thò đầu xuống tầng hầm, mấy bức rèm của lớp học đã được kéo sang hai bên, và mẹ đang ngước lên chỗ tôi.

“Xuống đây một tí.”

Tôi có dự cảm chẳng lành về chuyện này. Hình như mẹ chỉ đang chờ tôi về nhà.

Tôi quay lại và đi xuống cái cầu thang mà mình vừa định leo lên, tiến về phía lối đi riêng để xuống tầng hầm. Học sinh của mẹ ra vào nhà qua lối đó. Tôi cầu mong vẫn còn học sinh ở trong đó khi tôi bước vào bên trong, nhưng nó đã không được đáp ứng, chỉ có mỗi mẹ và tôi.

Khi cánh cửa đóng lại phía sau lưng, tiếng ồn bên ngoài bị chặn hết, khiến tôi có cảm giác như đang ở dưới nước. Một cảm giác thật kỳ lạ, khó thở. Ở phía đối diện căn phòng có cửa sổ để đón ánh sáng và không khí trong lành, nhưng với những cánh cửa cách âm và hai lớp rèm, trong phòng vẫn có cảm giác nặng nề và ẩm thấp.

“Tao nghe nói hôm nay mày bỏ học về sớm. Trường ôn thi gọi cho tao đấy.”

Thật là một ngôi trường quan tâm đến học sinh. Chắc là trong học phí có cả cái kiểu thông báo này.

“Con có việc.”

“Việc gì?”

“Con đi đến bệnh viện để thăm bạn.”

“Hở? Ai bị bệnh thế?”

“Mẹ không biết đâu, bạn ấy nhập viện lâu rồi.”

“Thật không đấy…”

Giọng mẹ nhỏ dần. Tôi đoán mẹ không nghĩ đến việc tôi sẽ trả lời như vậy. Nhưng chẳng mấy chốc mẹ tôi đã lấy lại được sự chủ động: “Như thế thì cũng được thôi, nhưng mà vì lo lắng nên tao đã gọi cho cả giáo viên dạy piano và giáo viên cảm âm của mày.”

Có vẻ như nỗi sợ của tôi là hoàn toàn có căn cứ.

“Có thật là mày đang dự định thi vào một nhạc viện không?”

Mẹ tôi đang tự ép mình phải bình thản nói ra câu đó. Mỗi khi mẹ làm vậy, tôi thừa biết cách đó không xa sẽ là một cơn thịnh nộ.

Tôi gật đầu.

“Thế còn đại học thì sao?”

Khi mẹ tôi đặt vấn đề ra thế này, tôi không biết phải nói gì. Ngay cả tôi cũng chưa suy nghĩ kỹ càng về nó. Đại học vẫn còn mấy năm nữa mà, đó là điều vẫn còn chưa xuất hiện trong thế giới của tôi.

“Mày có định trở thành một nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp không?”

Giọng mẹ tôi hạ xuống còn thấp hơn nữa trong lúc lườm tôi. Ánh mắt mẹ sắc lẹm trong lúc thúc ép tôi nói. Tôi tự hỏi tại sao mình lại không được thừa hưởng thứ sức mạnh này.

“Thế chơi một bài cho tao nghe xem nào?”

Tôi không thể tìm thấy hơi sức đâu để mà nhúc nhích, chứ đừng nói là đáp trả đàng hoàng.

“Lâu rồi tao chưa nghe thấy mày chơi. Lâu nay tao cũng đã định ngồi xuống lắng nghe kỹ càng xem thế nào rồi.”

Mẹ đang đặt tôi vào thế khó; thật không thể đau đầu hơn được. Tôi nghĩ giá mà mình có đủ khả năng để cho ra được một màn trình diễn khiến cho mẹ phải thảng thốt. Tôi tức tối với trình độ kém cỏi của mình.

“Đó, sân khấu là của mày.”

Mẹ tôi đang lên giọng. Không trốn tránh được rồi. Tôi đành bước đến cây đại dương cầm.

“Con phải chơi bài nào?”

“Một bài sonata. Học xong một bài rồi đúng không?”

“Con không thích bài đó lắm.”

“Bây giờ không phải là lúc thích hay không thích. Chơi đi xem nào.”

Tôi bắt đầu đánh nhạc của Beethoven.

“Bản Sonata thứ 15: ‘Pastoral’.” Một bản nhạc chẳng lay động được trái tim của ai.

Một ngày nào đó, tôi muốn mình có thể chơi được “Appassionata” hoặc “Hammerklavier.” Tôi muốn bày tỏ ra hết những gì mà mình đã cảm nhận trong từng nốt nhạc. Nhưng bây giờ, tôi mới chỉ được cho phép chơi những bản sonata thời đầu của ông. Dù vậy thì những tác phẩm ban đầu như bản sonata số 8 hoặc số 14 vẫn nhiều cảm xúc, nhưng bản số 15 quá bằng lặng. Tôi không thể nhập tâm vào bản nhạc này từ lần lắng nghe đầu tiên.

Tôi biết là kể cả những bài khiến cho ngón tay tôi phải làm việc thế này vẫn có thể điều chỉnh cường độ một chút để khiến cho nó thêm phần sống động, nhưng tôi thừa hiểu nếu làm vậy trong lúc này, mẹ tôi sẽ làm ầm lên. Nghiêm khắc trong việc giữ vững nhịp độ, không cho phép cảm thụ khác biệt, mẹ tôi vẫn thích một phong cách chơi chế ngự cảm xúc của người nhạc sĩ - chuẩn xác như máy móc. Tất cả học sinh của mẹ đều chơi như vậy.

Tôi thấy ngón tay mình bắt đầu căng cứng. Cảm giác thất bại cũng như cố gắng để không bị lỡ nhịp xuất hiện trong đầu, khiến cho tôi không thể tập trung chơi đến cuối.

Tôi thấy đau đớn khi nghe đến những nốt cuối cùng. Tôi bỏ chân ra khỏi bàn đạp và nhanh chóng đứng dậy.

“Chờ chút đã.”

Mẹ ngăn không cho tôi ra khỏi phòng.

“Đánh đàn kiểu đó thì mày sẽ không bao giờ thành nhạc công chuyên nghiệp được đâu, bất kể đổ bao nhiêu công sức đi nữa.”

“Con biết rồi.”

“Biết rồi thì định làm gì? Học xong nhạc viện ra trường mày sẽ chẳng kiếm được công việc tử tế nào đâu. Hay là định trở thành giáo viên âm nhạc ở trường trung học à?”

Tôi thoát khỏi sự níu giữ của mẹ và chuồn ra khỏi phòng. Khi trèo lên mấy bậc thang hẹp, tôi nghĩ rằng trên đời này không còn ai đáng ghét hơn là mẹ của tôi nữa.

Kỳ học thứ hai bắt đầu.

Sau buổi khai giảng, tôi tiến về phòng âm nhạc và chạm tay vào cây đàn piano sau một khoảng thời gian đã khá lâu rồi chưa động tới.

Cây đàn này đã khá cũ, âm đàn cũng đã hơi lệch. Tuy vậy, nó vẫn thường cho ra âm thanh khá ổn do căn phòng rất rộng, nhưng hôm nay tôi không sao chìm vào âm nhạc được. Ngón tay tôi cứ vấp váp liên hồi trong lúc tập gam nhạc.

Tôi chơi qua nhạc của Bach, Czerny, rồi cuối cùng là đến Beethoven.

Tôi đã lo lắng khi phải chơi trước mặt mẹ. Bây giờ chỉ có một mình, tôi cố chơi một cách tự do, dạt dào nhất có thể. Song, những đầu ngón tay tôi không chịu vâng lời và tôi không thể toàn tâm tập trung vào việc đánh đàn.

Đúng là tôi không thể tự thuyết phục mình thích nổi bài này.

Ngay cả một thiên tài như Beethoven thi thoảng cũng sẽ có những tác phẩm “xịt”. Tôi cố nghĩ theo hướng đó, nhưng rồi nhận ra một nhạc công piano tài hoa có thể biến bất cứ bản nhạc vào thành tuyệt tác của riêng họ.

Nếu nhìn nhận theo hướng thẳng thắn, tôi không hề có năng khiếu.

Cửa phòng mở ra, người bước vào là cô Miyasaka.

“Có gì mà thở dài thườn thượt thế?”

Cô hỏi; lúc nào cô tôi cũng vui tươi. Lâu rồi tôi mới thấy nụ cười của cô.

“Cô Miyasaka,” tôi dò hỏi. “Nghe thì có hơi bất lịch sự, nhưng mà…”

“Ừ, đúng là bất lịch sự đấy.”

Cô cắt lời trước khi tôi kịp nói thêm.

“Nếu biết là bất lịch sự mà vẫn còn hỏi thì chính việc đó cũng đã là bất lịch sự rồi.”

“Thế thì coi như em chưa nói gì vậy.”

“Nói ra rồi lại không nói thì còn bất lịch sự hơn. Dù sao thì cũng cứ hỏi đi, cô mới là người quyết định xem nó có không đúng mực hay không.”

Vẻ mặt cô trở nên rạng rỡ hơn hẳn. Nhìn thấy cô cười như thế khiến cho lòng tôi tràn đầy một cảm giác lâng lâng ấm áp, tôi cảm thấy có thể nói chuyện cùng cô như một người bạn.

“Làm giáo viên có vui không ạ?”

Tôi trông thấy sắc mặt cô căng lên trong một thoáng chốc; nhưng rồi nó nhanh chóng bị giấu đi sau nụ cười.

“Vui chứ. Em biết không khí của lớp học như thế nào rồi mà?”

Không khí trong lớp chúng tôi là như thế này: mà tôi nghĩ hầu hết trường cấp hai công lập nào cũng thế, đầu tiên là, nếu bạn không ngồi bàn đầu, bạn sẽ chẳng nghe thấy thầy cô nói gì. Mấy thầy cô mới thì sẽ la lũ học sinh trật tự khản cả cổ. Thầy cô nào kinh nghiệm hơn thì sẽ chờ cho tới khi mọi thứ lắng xuống hoặc dành cả buổi giảng cho mấy đứa ngồi bàn đầu.

Có điều khi tụi học sinh đã sang năm cuối của cấp hai, các tiết học của năm môn chủ đạo sẽ trở nên yên lặng như tờ. Đó cũng là lúc phần lớn đã bắt đầu nỗ lực học hành hơn một chút bởi kỳ thi đầu vào chỉ còn cách không xa. Nhưng tiết âm nhạc và mỹ thuật thì, hỡi ôi, trở thành một cuộc náo loạn. Những đứa luôn luôn tìm cách kiếm chuyện sẽ làm mấy trò ồn ào ở cuối lớp, bọn học sinh gương mẫu đang nhăm nhe một suất trong các trường cấp ba tư thục sẽ mang tiếng Anh hoặc toán ra làm trong giờ. Chỉ có một nhúm đăng ký vào các trường đại học công lập hàng đầu là ngồi ở dãy trên cùng để cố lấy lòng giáo viên, bởi chúng nó cần có thư giới thiệu.

Cô Miyasaka cười khì.

“Cô biết em đang muốn nói gì, tuy vậy…”

Vẻ mặt của cô bỗng chốc nghiêm trang khi nói tiếp: “Đúng là trong số các giáo viên âm nhạc, có những người muốn trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng không được, và họ chỉ trở thành giáo viên sau khi giấc mơ của họ đã tan vỡ, nhưng vẫn có các thầy cô khác đã theo đuổi ước muốn được trở thành giáo viên từ nhỏ, những người vẫn đổ hết tâm huyết vào việc dạy học.”

Dứt lời, nét rạng rỡ trở lại trên gương mặt, cô bật cười thêm lần nữa.

Tôi có cảm giác thứ đang chôn kín trong tâm khảm tôi đã được nới lỏng, cho dù chỉ là chút ít.

Lúc bước qua cổng trường, một luồng gió táp vào mặt tôi, mang theo chút ấm áp và hơi ẩm. Những đám mây mang màu tro đang chiếm lĩnh bầu trời. Ngày mai rất có thể sẽ mưa.

Từ sân bóng của trường tôi có thể nghe thấy tiếng mấy tay đập. Điều này khiến tôi muốn gặp Tetsuya. Hôm trước có nói chuyện với cậu ta qua điện thoại, nhưng đã hơn một tháng kể từ khi tôi gặp mặt cậu ta ngoài đời.

Tôi đi về hướng khán đài.

Tưởng đâu Tetsuya đang đứng trên sân tập bắt bóng, nhưng cậu ta vẫn đang mặc đồng phục trường đứng ở khán đài đối diện. Một nhóm con gái trường chúng tôi đang vây quanh cậu ta.

Việc thấy cậu ta bị đám con gái bám theo cũng không còn lạ gì. Từ hồi còn tập luyện chuẩn bị cho các trận đấu tiếp theo, lúc tập thì cậu ta sẽ chỉ chú tâm vào tập và tảng lờ lũ con gái đang cổ vũ, nhưng khi tất cả đã xong xuôi, cậu ta sẽ ra bắt chuyện bởi tính cậu ta vốn cởi mở.

Còn với tôi, hiếm khi nào tôi nói chuyện với con gái cùng khóa. Không phải là vì tôi cố tình tránh làm thế, mà bởi vì tôi không có ai thực sự thân thiết, nên không có mấy cơ hội để trò chuyện với họ.

Vây quanh cậu ta đều là dân năm ba. Tôi nhận ra một vài đứa học cùng lớp. Tuy nhận ra, song không phải là bạn bè, nên tôi cũng không thấy thoải mái tới mức có thể đến đó để xen vào.

Một tràng cười lớn rộ lên. Chắc Tetsuya lại buông ra một câu đùa cợt nào đó. Bờ vai bọn con gái lắc lư nhè nhẹ theo tiếng cười, còn người pha trò dường như cũng đang có một quãng thời gian rất đỗi thi vị.

Tôi nhớ lại giọng nói qua điện thoại của cậu ta lúc bảo với tôi về chuyện Naomi phải phẫu thuật.

Như thể Tetsuya của cái ngày hôm đó là một con người thứ hai.

Trên sân bóng, thành viên năm nhất và năm hai của tổ bóng chày đang dốc nước mắt, mồ hôi và máu ra để tập luyện. Tiếng hô hào hứng của chúng nó vang khắp trời. Tôi cũng có thể nghe thấy tiếng hô của các học sinh thuộc về những câu lạc bộ thể thao khác. Mặc cho bầu trời hầm hè, sân trường vẫn tràn đầy năng lượng. Người mang tâm trạng giống với thời tiết nhất lúc này có chăng chỉ có mình tôi.

Tôi quay lưng khỏi sân bóng và bắt đầu bước lại về phía cổng trường.

“Kitazawa! Chờ tí.”

Tôi nghe thấy tiếng bước chân cậu ta đang chạy lại gần, nhưng vẫn đi tiếp.

Cậu ta bắt kịp đúng lúc tôi gần đến cổng.

“Chờ đã nào. Tôi có cái để nói với ông đây.”

Tôi dừng lại. Tetsuya bước ra trước mặt tôi và nhìn chằm chằm.

“Ông cáu đấy à?”

Tetsuya hỏi; mặt cậu ta trông nghiêm trọng.

Tôi không đáp.

“Sao hả? Ông không thích cái việc tôi cười đùa giữa bọn con gái trong lúc Naomi đang nằm đau đớn trong viện chứ gì?”

“Chả phải việc của tôi…”

“Con người tôi là thế đấy; tôi sẽ chẳng bào chữa gì đâu. Nhưng nghe tôi nói này… được không?”

Tôi gật đầu. Tetsuya ngoảnh mắt đi và tiếp tục nói.

“Cha mẹ tôi vốn đã sống ly thân từ lâu rồi. Ông già cứ thế bỏ đi và không bao giờ quay lại. Cực kỳ bốc đồng, và cũng cực kỳ háo sắc. Không lúc nào không thấy ổng tán tỉnh đàn bà con gái nhà người ta.

Ông già tôi không kiếm được mấy, nhưng lại rất được phụ nữ mê say, ông hiểu không? Ổng đã ngoài bốn mươi tuổi rồi mà vẫn không hề muốn ổn định sớm. Tôi ghét cái tính của ông già, nhưng tôi biết tôi là con của ổng. Con nhà tông mà. Tôi có thể cảm nhận được cái tính bốc đồng ấy trong dòng máu của mình.”

Cậu ta quay sang nhìn tôi và tiến lại gần với giọng mạnh mẽ hơn:

“Naomi là chỗ để tôi nhờ cậy về mặt tinh thần. Nhờ có nó mà tôi mới không bị choáng ngợp bởi bọn con gái bu quanh. Nếu bỗng nhiên Naomi biến mất khỏi cuộc đời tôi, tôi sẽ trở thành một kẻ vô tích sự như ông già. Song bây giờ, tâm trí tôi chỉ nghĩ đến một mình Naomi.”

Ánh mắt cậu ta nhìn tôi cho thấy một sự quyết đoán không thể lay chuyển. Đây không phải là một người biết nói dối. Tôi trở nên khó xử và phải ngoảnh mặt đi.

“Kitazawa.”

Cậu ta nắm lấy vai tôi.

“Nhìn tôi đi.”

Cậu ta kéo tôi sang một bên trước khi nói vậy, nên tôi không còn cách nào khác ngoài nhìn thẳng về phía cậu ta.

Gương mặt cậu ta trông căng thẳng làm tôi hoảng sợ.

“Ông có yêu Naomi không?”

Cậu ta hỏi nhỏ.

“Có,” tôi trả lời theo bản năng.

“Ủa, đúng thế hả? Vậy thì tốt rồi.”

Cậu ta nói tiếp, sắc mặt vẫn không đổi:

“Cảm xúc của nó đối với ông cũng vậy.”

Tôi không biết cậu ta đang nói gì với tôi. Môi cậu ta hơi nhếch lên. Có thể coi đó như một nụ cười, nhưng biểu cảm của cậu ta trông không hề tự nhiên.

“Nhưng này, dù có thế nào đi nữa, tôi cũng quen Naomi lâu hơn ông rất nhiều. Tôi biết mọi điều về Naomi. Ông không thể nào chiến thắng được tôi đâu, ông biết chứ hả?”

“Tôi chẳng có ý định đấu với ông.”

“Ừ, thế thì được…”

Ánh mắt cậu ta hơi dịu đi chút ít.

“Nhưng nếu ông có định làm vậy, tôi muốn một cuộc cạnh tranh công bằng. Ông có muốn đi cùng tôi tới bệnh viện hôm nay không?”

“Hôm nay tôi không đi được.”

Ngay cả đến tôi cũng thấy được giọng mình lạnh lùng cỡ nào.

Cậu ta cau mày. Chẳng thèm giấu diếm sự bối rối của mình, cứ như trẻ con vậy.

“Này, đừng có dỗi.”

“Ai dỗi?”

Bàn tay nắm lấy vai tôi đột nhiên không còn chặt như trước.

“Được rồi. Hôm nay tôi sẽ đi một mình, nhưng tốt nhất là ông nên tới thăm Naomi ngày mai hoặc ngày kia đi. Tình hình của Naomi hiện tại không được ổn lắm.”

“Nghĩa là sao?”

“Tôi chỉ có thể nói vậy thôi.”

Cậu ta quay đi.

Lần này, đến lượt tôi nắm lấy tay cậu ta.

“Bác sĩ đã nói gì à?”

Tetsuya không trả lời. Cậu ta hất tay tôi ra và đi qua cổng trường.

Điệu bộ cậu ta thể hiện ra khi đi về phía cổng trường lạnh nhạt theo kiểu không muốn cho tôi đi theo để làm rõ vấn đề.

Tôi bước chậm ra cổng, nhìn bóng dáng cậu ta biến mất trên con đường ngầm dưới lòng đường cao tốc; nhà cậu ta nằm ở hướng ngược lại. Chắc cậu ta đang định đi thẳng tới bệnh viện.

Sau một lúc, tôi cũng bắt đầu đi về hướng đó. Tôi cảm thấy hơi do dự. Tôi đã nói dối khi bảo rằng không thể đến vào hôm nay: tôi chẳng có dự định gì. Nếu chạy đuổi theo, có lẽ tôi còn có thể bắt kịp cậu ta và cùng đi tới bệnh viện. Hai chiếc xe buýt chạy ngang qua tôi trước khi chúng cũng biến mất vào con đường ngầm. Đây là trục đường chính, nên có rất nhiều xe buýt đi qua đây trên lộ trình. Chỉ có chuyến số 1 là dừng lại trước bệnh viện. Tôi vội rảo bước chân nghĩ rằng mình sẽ có thể đuổi kịp nó.

Khi đi xuống đến dưới đường ngầm, tôi không thấy cậu ta ở bến xe buýt.

Không còn nơi nào để đi, tôi đứng ở bến xe suy nghĩ vẩn vơ. Một vài chuyến buýt chạy qua. Cuối cùng, chiếc xe chạy qua bệnh viện đi tới, đây cũng là chuyến mà tôi hay đi để tới lớp học piano.

Tôi lên xe mà không suy nghĩ nhiều. Tôi không có ý định đi tới bệnh viện. Nếu có đi thì tôi nghĩ cũng chẳng sao, nhưng vẫn có một phần trong tôi ngần ngại không muốn. Chiếc xe rốt cục dừng lại ở cổng bệnh viện, và khi nó rời khỏi điểm dừng này, tôi cảm thấy một sức nặng đè lên vai mình.

Tôi xuống xe ở điểm cuối cùng, trạm ga dành cho đường tàu tư nhân. Tôi lên tàu, ngồi yên tại chỗ sau khi nó đi qua ga mà tôi vẫn thường hay xuống để đi tới lớp học piano. Đến lúc này tôi mới nhận ra mình đang có ý định đi tới nơi đó.

Đây là lần thứ tư tôi xuống tại ga này.

Bầu trời u tối hơn mọi khi, còn gió thì vẫn thổi mạnh như vậy. Chiếc cặp sách tôi đang mang theo trên tay có cảm giác nặng trịch; đây là lần đầu tôi tới đây trong bộ đồng phục của mình.

Tôi lên xe buýt từ trạm xe nằm ngay trước sân ga, xuống xe tại nơi mà tôi vẫn hằng xuống. Khu phố mua sắm này tôi đã rất quen. Trong các cửa hàng đã bật đèn điện. Trên các chung cư cao tầng cũng đã lốm đốm xuất hiện những ánh đèn.

Tôi không biết tại sao mình lại tới đây.

Tôi đi lang thang qua khu phố mua sắm.

Tôi có thể thấy con đường hẹp dẫn tới khu căn hộ nằm cách không xa. Ngay cả tôi cũng không chắc là mình sẽ đi về hướng đó. Tôi sợ, bởi tôi có cảm giác mình đang bị ép phải đưa ra lựa chọn. Tôi quay đầu về phía con đường nằm đối diện, cũng lại là một con đường hẹp khác. Không chỉ có thế, nó còn là một con dốc cao. Tôi để đôi chân mình tự dẫn tới con dốc và bắt đầu trèo lên.

Giữa hai bên đường là những ngôi nhà. Những ngôi nhà nhỏ một tầng, nằm chụm vào nhau trên con dốc. Đi mãi rồi cũng hết dãy nhà, đường càng trở nên dốc hơn nữa. Phía trước hiện ra một khu vực cây cối rậm rạp. Gió lùa qua những ngọn cây, làm cho cành lá rung rinh. Cả khu vực chìm trong một bầu không khí lặng ngắt gần như quái đản.

Tôi không cảm nhận được sự tồn tại của người nào khác. Đây là cảm giác yên bình mà một người cảm nhận được khi ở một mình.

Tôi nhìn lên trên cao. Mặc dù bầu trời trước buổi hoàng hôn chỉ toàn là mây mù, nhưng nó vẫn choán lấy toàn bộ tầm mắt của tôi và sáng tới mức gần như chói lóa.

Tôi đi bộ lên con dốc thoải. Đây chính là ngọn đồi mà tôi đã thấy từ hành lang của khu căn hộ. Khi độ dốc giảm, những hàng cây rậm rạp nhường chỗ cho một đồng cỏ. Có thể nó đã từng là một cánh đồng bị cỏ dại lấn chiếm từ lâu. Mặc dù con đường cũng đã có cỏ mọc lác đác, nhưng những rãnh lún sâu đã ngăn chúng lại.

Ngay bên dưới, tôi có thể thấy tuyến xe buýt và khu nhà dân. Nhìn về hướng ngược lại, bên kia con đồi là những dãy nhà chung cư. Song bởi khoảng cách, chúng trông như những tòa nhà mô hình thay vì kích cỡ thật.

“Vậy cậu có muốn, tự tử cùng mình không?”

Lời nói của cô ấy vang lên trong đầu tôi.

Tôi nghĩ về Haraguchi Junzo, về Nagasawa Nobuko và cả Oku Kouhei. Chắc chắn có một điều là cả ba người họ đều có trong đầu những cách sống lý tưởng. Khoảng cách giữa lý tưởng đó và hiện thực cuộc đời đã là thứ đã đẩy họ tới nước tự tử.

Vậy thì, hình dung của tôi về một cách sống lý tưởng là gì?

Cơn gió chích vào má tôi. Mây chắc hẳn đã thưa bớt bởi tôi có thể cảm nhận được sức nóng của mặt trời trên lưng, và những căn chung cư trong tầm mắt đang bắt đầu lấp lánh một dải màu độc nhất vô nhị. Bầu trời đằng xa trông tối tăm đầy dọa nạt.

Tôi chuyển ánh mắt sang tòa chung cư cao mười bốn tầng đứng sừng sững trên những tòa nhà bên cạnh. Nhờ ngọn đồi mà tôi đang đứng trên có hơi cao hơn các ngọn đồi xung quanh một chút, nên mái của tòa chung cư đó nằm ngay tầm mắt nhìn. Nếu nheo mắt lại, những ô cửa được sắp đặt y hệt nhau ở đó sẽ tạo thành một mẫu hoa văn gần giống một tấm lưới.

-

Tất cả

Rồi cũng sẽ chết cả mà thôi.

-

Cũng có thể là cậu bé đó đã phải chịu một nỗi thống khổ kinh khủng hơn nhiều so với tác giả của cuốn “Luyện khúc tuổi hai mươi.” Cậu bé đã không tìm đến cái chết vì mất đi niềm tin của mình vào lý tưởng sống… vốn dĩ cậu bé đã không có một lý tưởng nào.

Khi đó thì ai lại có quyền phản đối quyết định của một cậu bé đã chọn cái chết ở cái tuổi mười một non nớt ấy chứ?

Sinh nhật thứ mười lăm của tôi đang đến rất gần.

Tôi đang chạy trốn khỏi hiện thực sao? Tại sao tôi không thử cố gắng đối chọi cơ chứ? “Mọi người rồi sẽ chết cả thôi mà” ư? Tôi biết tỏng điều đó rồi.

Naomi đang cố để sống.

Cô ấy đang đấu tranh để được sống.

Bên cạnh tòa nhà hình lưới đó có một dãy cầu thang thoát hiểm. Tôi có thể nhìn thấy hình bóng nhỏ như hạt đậu của một người đang đứng tựa lên tay vịn, nhìn thẳng xuống mặt đất bên dưới.

Bóng người đó nhỏ bé và vô nghĩa.

Tôi chuyển sự chú ý sang bầu trời tối sầm phía trên khu chung cư.

Những đám mây thẫm hòa vào cùng với bóng đêm đang tới. Một sự uể oải vắt ngang qua bầu trời.

Rõ ràng là cả thành phố Tokyo đang nằm ngay dưới những đám mây như thế.

“Mình tưởng là cậu sẽ không đến thăm mình nữa cơ.”

Naomi nói vậy bằng giọng châm chọc khi tôi bước vào phòng cô ấy.

Tetsuya bảo tôi phải đến thăm cô ấy bằng mọi giá, nhưng tôi đã không đi. Hôm đó đi thăm Naomi cùng với cậu ta có lẽ là lựa chọn tốt nhất. Gặp cô ấy một mình như thế này thì biết nói gì đây? Suy nghĩ về nó thôi cũng đã khiến lòng tôi chùng xuống và tôi không thể tự thuyết phục mình đến thăm cô ấy sớm hơn.

Tôi đứng trước cánh cửa phòng trong im lặng.

Cô ấy nhìn tôi như đang thách thức. Một ánh mắt khiến tôi muốn tháo chạy khỏi phòng vào ngay lúc đó. Cái nóng còn sót lại đã dịu đi và được thay thế bởi cơn mưa mát lạnh của mùa thu, để lại một lớp hơi mỏng trên cửa sổ. Cái lạnh đó ngấm cả vào trong phòng. Trái với nhiệt độ thấp, một nguồn nhiệt phát ra từ khuôn mặt ửng hồng và cơ thể của Naomi; tôi chưa từng thấy cô ấy thế này bao giờ.

Không có ai khác đến thăm. Cho tới khi tôi bước vào căn phòng này, cô ấy chỉ có một mình, vậy mà tâm trạng của cô ấy đã giận dỗi như đang chờ tôi đến.

“Cậu lúc nào cũng không nói gì.”

Tôi cười trừ.

“Không phải là mình muốn im lặng. Bởi vì lúc đó mình đang nghĩ. Nhưng chưa nghĩ xong thì cậu đã đổi chủ đề rồi.”

“Mình đã chờ cậu suốt từ đó đến giờ, biết không?”

“Mình cũng đã nghĩ về cậu suốt từ lúc đó đến giờ.”

“Thật thế ư? Tốt quá.”

Dẫu nói vậy, giọng cô ấy nghe chẳng vui tẹo nào. Dường như cô ấy đang phải vất vả để kìm nén lại những cảm xúc đang chỉ trực tuôn trào.

“Đừng có đứng như phỗng ở đấy chứ. Ngồi đi.”

Cô ấy sẵng giọng. Tôi vội vàng ngồi xuống, chờ xem cô ấy sẽ nói gì tiếp.

“Cậu nghĩ về mình thật không? Được rồi, nói xem cậu đã nghĩ gì nào.”

Naomi dường như đang muốn kiểm tra tôi.

Tôi không thể trả lời ngay lập tức. Tôi không nói dối khi bảo rằng tôi nghĩ về cô ấy. Nhưng còn rất nhiều yếu tố khác nữa như căn bệnh của cô ấy, Tetsuya, các vấn đề của riêng tôi, thế nên khó mà giải thích hết trong một câu.

Trong lúc tôi đong đếm từng câu từng chữ, chúng đột ngột buột ra khỏi miệng tôi:

“Tetsuya hay được mấy bạn nữ thích lắm.”

“Sao bây giờ lại nói đến Tet?” Naomi hỏi, trong giọng cô ấy có chút nhấn nhá.

Chính tôi cũng thấy ngạc nhiên khi mở đầu bằng cách nói về cậu ta. Nhưng nghĩ kỹ thì đây đúng là cách mà tôi nên bắt đầu với lời giải thích của mình.

“Cứ nghe mình nói đã, được chứ? Tetsuya là siêu sao của đội bóng chày. Không chỉ vậy, cậu ta cũng hoạt bát và còn rất tốt tính nữa. Mình thậm chí còn chưa có ý định so bì với người như cậu ta bao giờ…”

Đôi mắt cô ấy sáng lên đầy chăm chú.

“Nhưng khi mình nghĩ đến cậu, tự nhiên mình cũng lại nghĩ đến cậu ta. Và khi đó, mình lại thấy thật chán nản.”

“Vì sao?”

“Vì sao ư? Tại vì…”

Tôi ngước mắt về phía Naomi. Tôi hỏi thầm trong đầu tại sao cô ấy lại hỏi một điều như vậy. Trong khoảnh khắc, một nét hoảng sợ thoáng hiện lên trên mặt Naomi. Cô ấy đang hồi hộp chờ đợi. Thái độ của cô ấy đã cho tôi dũng khí để nói ra những lời tiếp theo:

“Tại vì mình thích cậu.”

Naomi nhắm mắt lại. Khuôn mặt ửng hồng của cô ấy chuyển màu đỏ lựng.

Tôi quay mặt đi. Tôi phải gắng hết sức để giữ cho giọng mình khỏi lạc đi: “Nhưng mình không thể làm gì cả.”

Sau khi nói ra những lời này, lòng tôi thắc mắc điều gì mới có thể khiến tôi hài lòng? Tôi có cảm giác mình đang phải đối diện với một câu hỏi vốn dĩ đã không có lời giải đáp.

Tôi có thể nghe thấy tiếng cô ấy thở.

Một mùi hương ngọt dịu phảng phất trong không khí. Naomi đang nằm trên giường, nhưng tiếng thở của cô ấy vang lên rất gần như đang ở ngay cạnh tôi.

“Tình cảm của mình với cậu cũng vậy, cô ấy thì thầm.

Tôi không nhìn về phía Naomi. Tôi vui mừng sung sướng, nhưng cùng lúc đó, lại cảm thấy như thể vừa bị đặt xuống trước một chướng ngại vật khổng lồ.

“Nhưng cậu cũng mến Tetsuya mà, phải không?”

Tôi giữ đôi mắt mình nhìn ra khung cảnh bên ngoài cửa sổ trong lúc nói vậy.

Naomi bật ra thêm một tiếng thở dài khe khẽ.

“Ừ.”

“Cậu ấy là người đặc biệt với mình,” cô ấy nói rất vội.

“Mình biết mà. Mình cũng quý cậu ta. Bọn mình có thể cứ tiếp tục như thế này - như ba người bạn.”

Tôi quay đầu lại về phía chiếc giường bệnh của cô ấy.

Có vẻ như Naomi không bằng lòng khi tôi nói như thế, cô ấy gắt gỏng: “Ý mình không phải thế. Mình…”

Những lời sau đó không được thốt ra.

Tôi nhìn cô ấy, cô ấy cũng nhìn tôi. Trong căn phòng chỉ còn lại sự yên ắng thanh bình. Cô nhìn tôi với một vẻ bình tĩnh có thể được coi như sự chín chắn. Trong một khoảnh khắc, bề ngoài của Naomi trông như người lớn.

“Ryoichi ơi,”

Cô gọi tên tôi theo cái cách mà tôi chưa từng nghe thấy ai gọi tôi như thế trước đây. Ánh mắt mãnh liệt của Naomi không suy chuyển trong lúc cô ấy nói khẽ:

“Nếu như mình không bị bệnh, có lẽ mình đã chẳng gặp được cậu. Có lẽ bọn mình sẽ sống hai cuộc đời hoàn toàn tách biệt với nhau. Nhưng nhờ một vài sự sắp đặt của số phận, mình mắc bệnh, và bọn mình gặp nhau. Liệu mình có nên trân trọng sự sắp đặt đó không?

Nếu như mình không bị bệnh, chắc chắn là mình sẽ có một cuộc sống hạnh phúc với Tet ở bên cạnh. Giờ khi nghĩ về nó, mình không chắc liệu nó có thể được gọi là hạnh phúc đích thực hay không, nhưng không quan trọng nữa rồi. Thực tế là, mình đã gặp được cậu và có lẽ mình sẽ không bao giờ đỡ bệnh hơn. Sự thật là vậy.

Nhưng mình là một người ích kỷ, nên ngay cả khi đã rơi vào tình thế như bây giờ, mình vẫn không thể không mơ về một giấc mơ, trong đó mình vẫn có Tec, vẫn có cậu, và căn bệnh của mình được hoàn toàn chữa khỏi. Nhưng nếu điều đó xảy ra, không biết… điều gì sẽ chờ đợi phía trước đây? Có thể sẽ chỉ có những khó khăn mà thôi.

Sau này có thể mình sẽ làm ai đó tổn thương, có thể mình sẽ bị tổn thương… rồi thì rốt cục, có lẽ mình sẽ khóc và nhận ra rằng hóa ra đó mới là sống. Cho dù thử thách có chờ phía trước, mình vẫn muốn được sống tiếp… nhưng mình không thể tự quyết định được nữa rồi. Quyền được lựa chọn đã bị tước khỏi tay mình.

Bộ phim này của mình chỉ mới bắt đầu, nhưng trước khi nó đến cảnh cao trào thì đã bị đổi sang kênh khác. Sắp đặt ra một cuộc đời như thế chẳng phải là tàn nhẫn hay sao? Nhưng mình không oán trách số phận này, vì chính nó đã đưa cậu đến bên mình. Thế nên mình sẽ mở rộng cánh tay đón nhận số phận này vào lòng.”

Một nụ cười phớt qua bờ môi cô, tỏa ra một sự rạng rỡ lạ kỳ. Một nụ cười không hẳn là giống người thật, mà giống một pho tượng hơn.

“Mình biết được kết quả khám bệnh rồi.”

Nụ cười cô ấy không lay chuyển khi nói vậy.

Tôi chờ đợi câu nói tiếp theo của Naomi như một tên tội phạm đón chờ bản án của hắn.

“Các bác sĩ bảo rằng họ phát hiện ra một khối u trong hạch lym-phô dưới cánh tay của mình.”

Một khối u…

Cái từ đó không mang một ý nghĩa gì trong một thoáng.

Chân của Naomi. Cái khối u ác tính mọc ra từ cái chân đã bị cưa của cô ấy đã bắt đầu lan tới các phần còn lại của cơ thể.

“Họ sẽ làm phẫu thuật chứ?”

Naomi không trả lời ngay; cô ấy nhìn tôi một lúc rồi mới trả lời:

“Mình thật hạnh phúc vì đã có thể gặp được một người như cậu.”

Trong khoảnh khắc tiếp theo, giọng cô bỗng trở nên quyết liệt - cho thấy rõ ràng là cô sẽ không chấp nhận lời từ chối: “Đỡ mình dậy đi.”

Tôi đi vòng qua giường tới bên cô ấy.

“Ngồi xuống đó.”

Khi tôi đã đỡ cô ấy ngồi dậy trên giường, Naomi ra lệnh cho tôi ngồi xuống cũng bằng một giọng như thế. Tôi làm như cô bảo.

Naomi đang mặc một bộ pyjama màu hồng nhạt. Tôi thảng thốt trước trước sự nhợt nhạt của làn da sau gáy.

Mắt cô ấy dán chặt về phía tôi: “Không chỉ dừng lại ở hạch lym-phô đâu. Sắp tới có lẽ họ sẽ phải cắt đi cả bầu ngực của mình nữa.”

Tay Naomi di chuyển lên những chiếc cúc trên áo.

“Nhìn mình này.”

Cô nhanh chóng cởi bỏ cúc áo. Trước mắt tôi là hai bầu ngực nhỏ nhắn của Naomi, trông như thể chúng sẽ nằm gọn trong lòng bàn tay.

“Nhìn kỹ đi, và mong cậu nhớ. Vì mình muốn cậu thấy trước khi họ cắt nó đi.”

Nước mắt trào dâng trên hàng my của cô ấy, vậy mà, giọng nói cô vẫn vang lên trong trẻo và mạnh mẽ. Phản chiếu trong giọng nói ấy là nghị lực để chiến đấu cuộc chiến đang cận kề. Tôi nhìn chăm chăm vào bộ ngực và vẻ mặt bình tĩnh đến lạ thường của cô. Trong giây phút đó, tôi nghĩ rằng cảnh tượng này… hai bầu ngực nhỏ, xanh xao, cùng vẻ mặt kiên quyết đó của cô sẽ mãi mãi khắc ghi vào trong trí nhớ của tôi.