Đương độ giao mùa đông – xuân, những giọt sương lóng lánh treo trên cành

tùng cành bách, hoa mai rơi đầy đường.

Người phụ nữ xinh đẹp mặc một bộ áo dài bông cũ, cô ngồi trước cửa sổ,

cúi đầu, đưa những nét bút trên trang giấy viết thư mềm mại:

Trình Viễn:

Mùa đông ở Nam Kinh và Hán Khẩu rất giống nhau. Chúng đều có sương

mù, hễ sương buông là sẽ bao phủ nửa dãy núi; hai nơi đều có Trường

Giang, có hoa mai, có cơn gió sắc như dao, có trận mưa rả rích không

ngừng. Nếu là ngày hạ, những trận mưa phùn liên miên sẽ khiến tớ trở nên

rất vui vẻ. Còn nhớ ngày còn bé, cứ mỗi lần tiết trời thay đổi tớ lại ra vườn

hoa, ngồi xổm trên con đường nhỏ xem có thể bắt gặp chú ếch xanh be bé

hay đám chuột đồng lúc nào cũng hốt hoảng cuống quýt không. Giờ nghĩ lại

mà ngỡ chỉ mới là chuyện của hôm qua.

Chung quy, mưa móc phương nam quá u buồn, xứng với cái tên “mưa sầu”.

Nhiệt lượng chốn thành phố cũng không thể khiến nó ấm áp hơn. Tuy vậy,

âu sầu cũng có cái hay riêng của nó. Mùa đông đất phương bắc lạnh cắt da

cắt thịt, chắc chắn trong màn tuyết trắng ngần sẽ không có nỗi thê lương

này. Nhưng tớ nghĩ cậu ở Bắc Bình đã lâu, có lẽ cũng sẽ rất nhớ mùa đông

và cơn mưa sầu phương nam.

Tớ có những cảm xúc yêu thích mâu thuẫn với cơn mưa đông phương nam.

Vài ngày trước tớ đọc được một bài văn, tác giả trích dẫn lời một nhà văn

Nhật Bản, câu nói ấy khá tương đồng với cảm nhận của tớ:

“Cảnh đêm khi ngọn đèn giấy của sạp mì khuya dừng lại bên bờ sông khiến

tôi túy lúy. Đỗ quyên mưa đêm hót trăng, những chiếc lá thu lả tả trong

mưa, tiếng chuông hoa rơi gió thổi, tuyết trên sườn núi buổi hoàng hôn

đang ngả, phàm là những gì vô thường, vô ngôn, vô vọng, khiến con người

ta bỗng dưng than thở đời nay chỉ là giấc mộng, tất thảy những thứ ấy đều

hết sức gần gũi với tôi, là nỗi hoài niệm của tôi. Nó ngầm gợi nên sự kinh

hoàng, đau thương và mệt mỏi của thời đại đen tối ấy… Là sắc điệu bi ai

không nói nổi thành lời, sâu sắc không sao quên được.”

Trình Viễn, tớ xa quê hai năm, trằn trọc trong tuyệt vọng và hy vọng, tớ

từng bị thứ sắc điệu “đau đớn không nói nên lời” ám ảnh, thật ra có mưa

hay không thì với tớ cũng vậy.

Hôm nay Nam Kinh lại mưa, nhưng tớ không còn thấy đau buồn, chỉ là quá

khứ cứ hiện lên trong tớ, khiến tớ nhớ lại người anh cả chờ đợi trong phòng

dương cầm mỗi sớm, nhớ lại khoảng thời gian niên thiếu vô ưu vô lo, nhớ

đến mối tình từng ngọt ngào mà cuối cùng lại hóa đứt từng khúc ruột, tới

cuộc hôn nhân thất bại, nhớ nỗi giày vò triền miên của cuộc sống, sự mất

mát, không cam lòng, hỗn loạn và sa sút cứ liên tiếp ập tới… Lúc này, khi

đã xa cách những người và việc ấy một thời gian, khi đã hoàn toàn sở hữu

sự tự do mà tớ ao ước, tớ nghĩ tớ cũng nên nhìn lại trái tim mình. Cuối cùng

tớ vẫn vượt qua được, dù rằng không tìm ra tung tích Tiểu Quai nhưng tớ

vẫn nên ôm hy vọng mà tiếp tục sống. Từ Hồ Bắc tới Giang Tây, lại từ

Giang Tây đến Nam Kinh, tớ miệt mài đi không ngừng bước, tớ không

ngừng đau đớn trên mỗi chặng đường mình băng qua, giả dụ tớ gửi gắm

toàn bộ ý chí sống lên việc tìm kiếm con, e rằng tớ sẽ tự làm tổn thương bản

thân trong thất bại. Tớ được cho ăn học tử tế, tớ từng lãng phí những điều

tốt đẹp xã hội cho tớ, dù không thể lập tức cống hiến thứ gì đó cho cuộc đời

nhưng sao tớ có thể trở thành một người phụ nữ tầm thường chỉ biết lãng

phí cơm gạo và sinh mệnh, khóc than đau khổ hết ngày này qua ngày khác?

Tớ hơi mệt mỏi rồi, tớ muốn nghỉ ngơi, định tạm thời lưu lại Nam Kinh,

điều duy nhất tớ lo là mình sẽ chìm đắng trong sự yên ổn mà không chịu

tiến bước, hoặc là thời gian trôi đi quá nhanh. Nếu Tiểu Quai còn sống,

đang ngày một trưởng thành, chắc chắn vẻ bề ngoài con sẽ đổi khác, nếu có

một ngày con bé bước về phía tớ, có khi tớ sẽ không nhận ra nó. Nghĩ tới

đây, tớ không khỏi kinh sợ.

Trình Viễn, cảm ơn cậu đã giới thiệu cho tớ làm quen với cô Quách Tú Vân,

những ngày ở Nam Kinh tớ đã được cô Quách và anh trai cô ấy chăm sóc

rất chu đáo. Nói ra cũng là cái duyên. Năm mười tuổi gia đình đổi dương

cầm cho tớ, cây đàn Steinway & Sons ấy được mua từ chính cửa hàng

dương cầm Moutrie nơi anh Quách Kình Tùng – anh trai của cô Vân làm

việc. Anh Quách Kình Tùng có nhiều năm công tác tại cửa hàng dương cầm

Moutrie lâu đời, là người vô cùng thông minh tháo vát, dù người Anh Quốc

giữ những bí mật về thiết kế cũng như lên dây dương cầm hết sức nghiêm

ngặt nhưng anh Quách vẫn học được nhiều kỹ thuật, sau khi rời Moutrie,

anh tới Nam Kinh, mở một cửa hàng dương cầm bên lầu canh, không chỉ

nhập khẩu mà còn thử tự lắp đặt, thiết kế và chế tác dương cầm, dù rằng

hiện giờ anh vẫn chưa thành công (điều này khiến tớ dở khóc dở cười,

nhưng cũng vô cùng khâm phục). Trong mấy ngày tá túc tại nhà hai anh em

họ Quách, lần đầu tiên tớ nhìn thấy một chiếc dương cầm được tháo rời,

đúng vậy, để hiểu rõ cấu tạo chính xác của cây đàn dương cầm, họ đã tháo

chiếc Steinway & Sons cổ ra. Khi dỡ đàn, nghe tiếng lách cách vang lên,

tim tớ cũng như muốn vỡ tan. Nhưng lạ là họ có thể lắp nó lại nguyên vẹn

như cũ, chỉ có âm điệu bị lệch mất phân nửa mà thôi, nhưng sau khi lên dây

lại thì mọi thứ cũng tạm ổn.

Trình Viễn thân mến, người bạn thân thiết nhất của tớ, cuối cùng tớ cũng có

thể tìm lại cây dương cầm mà tớ từng vứt bỏ. Chỉ là giờ đây tớ vẫn chưa đủ

dũng khí để đàn lại, nghe thì được, nhìn cũng không sao, dù âm nhạc có thể

xoa dịu tâm hồn, khiến cơn giận nguôi đi, âu lo tan biến, nhưng hễ đụng tới

phím đàn, tớ sẽ lại nhớ đến sự đau đớn tủi hổ mình từng trải qua. Nó vẫn

quét qua như một cơn cuồng phong.

Nhưng dường như cuộc sống xung quanh không để tớ tiếp tục trốn tránh

nữa, có mấy đứa bé cứng đầu cứ chạy vào phòng đàn cách vách, bấm loạn

phím dương cầm, sợ chúng làm hỏng đàn nên tớ quyết định sẽ dạy chúng.

Dương cầm là “vua của các loại nhạc cụ”, không gì có thể sánh được khả

năng thể hiện âm nhạc của nó. Âm vực rộng, âm sắc phong phú đa dạng, kỹ

xảo trình diễn thiên biến vạn hóa. Có lẽ người diễn tấu dương cầm là những

con người duy nhất không cần phải nhìn hay nghe mình đàn, chỉ cần dựa

vào cảm xúc là có thể biết được âm điệu sai hay đúng, khoảnh khắc ngón

tay đặt lên phím đàn, họ lập tức biết mình có đàn sai không, thứ quy luật

nghe như máy móc ấy khiến người học dương cầm có thể luyện tập trên

những phím đàn câm, không quấy rầy tới người khác… Tớ vừa vẽ xong

phím đàn vào giấy cho đám nghịch ngợm, đã đưa cho bọn trẻ rồi, không

biết lũ chúng nó có chịu học đàn “câm” cùng tớ không…

Đừng trách tớ quá nhiều lời, đã rất lâu, rất lâu rồi tớ không viết dài như vậy,

không nói nhiều tới thế. Mấy hôm nữa là tới sinh nhật cậu, tớ gửi kèm thêm

hai hộp đồ ngọt Giang Nam, một tấm ảnh mới chụp gần đây của tớ, chúc

cậu sinh nhật vui vẻ.

Cảnh Ninh

Kim Lăng, năm Dân Quốc thứ 26, một ngày đầu xuân năm mới.

Tái bút: Làm ơn hãy tiếp tục giữ kín địa chỉ và tình hình của tớ. Phiền cậu

nhờ người báo tin bình an cho gia đình tớ. Hiện giờ tớ không gặp khó khăn

về tài chính, công việc rất ổn định, cõi lòng an ổn. Đừng nhớ tớ.

Cô cẩn thận gấp lá thư lại, đặt vào phong thư, xòe ngón tay thư giãn. Khi

chuẩn bị nhét tấm ảnh vào phong thư, cô lại cầm nó lên xem, đôi mắt đẹp

thoáng vẻ kinh ngạc.

Bức ảnh chụp lại cảnh tượng ấm áp của một ngày đông dưới ánh nắng mặt

trời: Có hơn mười đứa trẻ cả trai cả gái chừng bốn, năm tuổi đang đứng

thành vòng tròn, lũ trẻ cùng mặc trang phục mùa đông mới được quyên

tặng. Cô đứng giữa đám trẻ, nắm lấy một cánh tay bụ bẫm, cùng chạy thành

vòng tròn với chúng.

Đứa bé hoạt bát nhất cũng là đứa thấp lùn nhất, tên thằng bé là Phi Phi,

thằng bé mặc chiếc áo bông eo cao đang rất hợp mốt. Hôm ấy thằng bé vui

vẻ cất cao tiếng ca, rồi sau đó lũ trẻ cùng hát vang như một bầy chim.

Đó là bài hát cô dạy chúng, vừa đàn vừa dạy.

Đúng, cuối cùng cô cũng chơi đàn, một lần duy nhất.

Vì muốn cô chơi đàn, Quách Tú Vân đã nhiều lần khích lệ cô, muốn cô

chấp nhận nỗi đau mất đi đứa con, đối mặt với hiện thực, cô ấy còn giới

thiệu cô tới Học viện Nghệ thuật Khoa học Nữ giới Kim Lăng, làm giáo

viên cho đám trẻ mồ côi trong học viện, chăm sóc bầy trẻ thơ không có cha

mẹ.

Quách Tú Vân chính là cô gái đã cùng anh trai dỡ cây đàn Steinway &

Sons. Cô ấy nói: “Từ nhỏ cô đã thích âm nhạc, cô nên hiểu ý nghĩa của âm

nhạc với linh hồn con người mới phải. Người xưa có nói ngũ âm và ngũ

hành tương ứng, cung, thương, giác, chủy, vũ tương ứng với thổ, kim, mộc,

hỏa, thủy, trong ngũ hành có ý ám chỉ lá lách, phổi, gan, tim và thận của

con người. Âm luật khi hùng vĩ hồn hậu, lúc ôn hòa thanh tịnh, khi bay

bổng nhẹ nhàng, lúc du dương trầm bổng, những âm điệu khác nhau có thể

mang đến những tác dụng khác nhau cho tâm hôn và cơ thể chúng ta. Cô là

người thông minh tỉnh táo, sao lại vứt bỏ tài năng âm nhạc của mình mà

không để nó chữa trị cho bản thân?”

“Cảnh Ninh, âm luật là do hai bàn tay ta khống chế, cô muốn nó cao, nó sẽ

cao, cô muốn nó thấp, nó sẽ thấp, cô muốn nó dừng, nó không thể không

dừng. Tâm trạng cô là do trái tim cô điều khiển. Tại sao cô lại để ký ức đau

khổ chiếm hữu cuộc sống mình? Cô là một người phụ nữ được học cao, cô

nên để cuộc sống của mình có những giá trị mà nó đáng có, đừng uổng phí

nữa. Những đứa bé ấy rất thích cô, chúng cần cô, cô sẽ là một cô giáo tốt.

Có lẽ cô từng mất đi rất nhiều, thậm chí mất cả thứ quan trọng với cô nhất,

nhưng tin tôi đi, khi cô cống hiến cho cuộc sống, cho xã hội bằng tất cả tâm

hồn, niềm hạnh phúc khi cho đi sẽ từ từ tới với cô.”

“Những niềm hạnh phúc khi cho đi sẽ từ từ tới.”

Thật ra cô không mong hạnh phúc sẽ tới, cô chỉ muốn nhìn thấy hy vọng và

tương lai. Vậy nên cô hít thở thật sâu, để không khí tràn ngập nơi sâu nhất

trong lồng ngực, cô thử mở cánh cửa trái tim để tiếp nhận nỗi đau mình

từng không sao trốn nổi.

Cuối cùng thì âm nhạc cũng vang lên, đó là tiếng dương cầm đã rất lâu

không gặp. Ban đầu nó lác đác, rời rạc, như những giọt mưa tích tách do dự

không chịu buông mình. Nỗi đau khổ ập tới, cô chấp nhận nó, xoa dịu nó,

trái tim cô dần phẳng lặng, cuối cùng ngón tay cô không run rẩy nữa, cuối

cùng nốt nhạc cũng không rời rạc, chúng tìm thấy vị trí của mình, chúng

rung lên, ngâm nga, nhịp điệu như những gợn sóng dài đang phô bày, lúc

sục sôi, khi rộn ràng, như nguồn cảm xúc nơi trái tim mênh mông cuộn trào.

Ánh mặt trời buổi chiều chạm lên bệ cửa sổ như rải bụi vàng, từng phiến lá

trên cây phong cao lớn ngoài cửa đều như hóa trong suốt, những ảo ảnh như

có sinh mệnh của riêng mình sừng sững trong dòng thời gian trống rỗng,

lộng lẫy, lặng im, thoáng qua rồi trôi đi. Cô đàn “Love’s Sorrow”, cảm nhận

nỗi đau mãnh liệt, tìm lại bản thân vỡ nát khó khăn như vậy đấy, nhưng âm

nhạc cho cô sự ấm áp và dũng khí, khiến ngọn đèn trong tim cô bừng sáng

trở lại.

Đám trẻ chưa từng nghe cô đàn, tiếng đàn thu hút chúng tiến lại. Chúng tíu

tít bao quanh cô như những con thú nhỏ, sau khi bản nhạc kết thúc, chúng

vỗ tay năn nỉ cô đàn thêm một bài nữa.

Cô nhìn đôi mắt to đen trắng rõ ràng, nhớ tới đứa con gái đáng thương của

mình, Tiểu Quai chưa từng nghe thấy tiếng hát và đàn của mẹ, giờ không

biết nó đang phiêu bạt nơi đâu.

Trước khi nước mắt ứa ra, cô lại đặt tay lên phím đàn, đàn một khúc ca dao

xưa, cậu nhóc Phi Phi trèo lên ngồi trên chiếc ghế bên cô, cơ thể bé nhỏ

đung đưa, vỗ nhịp cho cô.

Cô hát:

“Hãy kể tôi nghe câu chuyện thân thương ấy, từ rất lâu, rất lâu rồi.

Hãy ca cho tôi khúc hát mà tôi thích nghe, từ rất lâu, rất lâu rồi.

Khi người quay về, mọi âu sầu trong tôi tan biến, khiến tôi quên rằng người

đã phiêu bạt bao năm.

Khiến tôi tin người vẫn yêu tôi như trước, từ rất lâu, rất lâu trước kia.

Khiến tôi nhớ về con đường nhỏ nơi ta gặp nhau, từ rất lâu, rất lâu trước

kia.

Người nói tôi hay người sẽ mãi mãi không quên, từ rất lâu, rất lâu rồi.

Nụ cười tôi hồn nhiên khiến người lưu luyến, mỗi lời người nói lại chạm

vào tiếng lòng tôi.

Những lời tán dương vẫn giấu trong lòng tôi, từ rất lâu, rất lâu rồi.

Tình yêu của người khơi dậy hy vọng trong tôi, từ rất lâu, rất lâu rồi.

Có bao người từng ca ngợi tôi, từ rất lâu, rất lâu trước kia.

Chia ly bao năm, tình yêu của người vẫn không đổi khác, giọng người vẫn

khiến tôi bịn rịn.

Tôi hạnh phúc như khi bên người, từ rất lâu rất lâu rồi.”

Đám trẻ rất thích bài hát này, hôm chụp ảnh chúng đã cùng hát vang nó,

càng là lúc nên thấy vui, thực ra cô lại càng buồn. Nhìn những gương mặt

hồn nhiên ngây thơ của đám trẻ mà cô chỉ muốn khóc, thậm chí cô còn nghĩ

khi ấy chắc chắn mình đã khóc.

Nhưng tấm ảnh không bao giờ nói dối, quả thực trên gương mặt cô là nụ

cười.

“Tình yêu của người khơi dậy hy vọng trong tôi, từ rất lâu, rất lâu rồi.

Có bao người từng ca ngợi tôi, từ rất lâu, rất lâu trước kia.

Chia ly bao năm, tình yêu của người vẫn không đổi khác, giọng người vẫn

khiến tôi bịn rịn.

Tôi hạnh phúc như khi bên người, từ rất lâu rất lâu rồi…”