Khi tôi gõ dòng chữ “Phù sinh ngoại truyện – Bảy đêm – Hết” vào cuối file bản thảo, tôi cảm thấy lại thêm một mộng ước nữa của mình đã được thực hiện.

Bảy câu chuyện được tập hợp trong cuốn ngoại truyện, thực ra đều được ra đời cùng với yêu cây. Ban đầu tôi biết chơi cho vui, muốn viết một bộ “Yêu cây kể chuyện”, nhưng vì nhiều nguyên nhân, những truyện ngắn này đã không thể tập hợp thành bộ, mà đăng rời rạc trên các tạp chí, sau đó rơi vào trong im lặng, nằm yên trong kẹp tài liệu của tôi, như những cô hồn.

Tôi luôn cảm thấy mình đã nợ những “cô hồn” này một ngôi nhà, giống như những gì tôi tưởng tượng lúc trước, biến chúng trở thành một chính thể liền mạch. Đáng tiếc, tôi vẫn chưa có được cơ hội.

Cho tới khi “Câu chuyện phù sinh” ra đời và tiệm bánh ngọt Không Dừng được khai trương, một hôm, tôi đột nhiên cảm thấy, dự định trước kia có lẽ đã có khả năng thực hiện.

Lục tìm bảy câu chuyện từ trong xó xỉnh, lần lượt chỉnh sửa, dựa vào ý tưởng ban đầu của tôi, hoàn thiện chúng từng chút một, dùng một sa mạc và truyền thuyết về bảy đêm, liên kết chúng thành một chỉnh thể thú vị, làm “quà cưới” tặng cho cô chủ tiệm mới kết hôn.

Nếu bạn từng đọc “Câu chuyện phù sinh”, có lẽ còn nhớ đoạn kết, cô chủ tiệm và Ngao Xí cho tất cả bạn bè leo cây, lén lút trốn đi du lịch trăng mật, cảnh cuối cùng kết thúc trong sa mạc tại Ai Cập. Chính vì phi vụ bỏ trốn này, đã giúp vợ chồng họ thành công thoát khỏi con mắt của khán giả nguyên một năm, từ “Câu chuyện phù sinh” tới “Câu chuyện phù sinh 2”, đã bỏ trống mất một năm. Và những câu chuyện xảy ra với cô chủ tiệm và Ngao Xí trong một năm đó, vốn dĩ đã tồn tại từ trước. Thế giới quả nhiên kỳ diệu.

Giống như rất nhiều độc giả, tôi vô cùng yêu mến cặp đôi trời sinh – yêu cây Sa La và Ngao Xí. Đương nhiên, tôi cũng mang nặng tình cảm sâu sắc đối với tiệm nhỏ Không Dừng cùng bầy yêu quái biến thái nhưng đáng yêu, đôi khi chỉ tiếc rằng không thể đem tất cả những câu chuyện hay nhất trên đời cho chúng. Tuy biết rằng việc này là không thể, nhưng tôi sẽ cố gắng.

So với chính truyện của “Câu chuyện phù sinh”, cuốn ngoại truyện chỉ có bảy câu chuyện, nhưng phong cách vẫn tương tự với chính truyện. Đương nhiên, tôi cũng hy vọng độc giả sẽ yêu thích những câu chuyện trong bảy đêm đó, xem xem cô chủ tiệm trong tiểu thuyết đã gặp phải những chuyện quái lạ gì trong chuyến du lịch trăng mật, và xem cô Sa La Song Thụ trong đời thực đã từng viết những câu chuyện ra sao.

Nhớ lại hồi xưa, một người bạn làm giáo viên ngữ văn kể với tôi rằng, một hôm, có một học sinh hỏi cô ấy:

– Thưa cô, phù sinh có nghĩa là gì?

Cô ấy đáp:

– Phù sinh chính là đời người!

Học sinh bèn nói:

– Ồ, em đang đọc một cuốn tiểu thuyết có tên là “Câu chuyện phù sinh”.

Nghe xong, tôi phá lên cười lớn. Một đứa bé thật đáng yêu.

Tuy nhiên, câu nói này của cô bạn đã chỉ đúng trọng điểm, phù sinh chính là đời người.

Mỗi một câu chuyện tôi viết ra, dù về yêu quái, hay về con người, thì nguyên mẫu của họ cũng đều là bạn, là anh, là tôi trong cuộc sống đời thường. Thói quen này, tôi sẽ không thay đổi.